Nam Cát là xã đã về đích nông thôn mới của huyện Nam Đàn, trên địa bàn có nhiều mô hình phát triển kinh tế với cách làm hay, trong đó có mô hình nuôi rùa sinh sản đang cho hiệu quả của anh Phan Văn Lễ ở xóm Khang Thọ. 

Nhận thấy giống rùa nước ngọt dễ nuôi, ổn định đầu ra, anh Phan Văn Lễ đã bỏ ra 150 triệu đồng mua 90 con giống rùa bố mẹ từ các trang trại ở Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh về nuôi và đã thành công.

bna_rua_2_anh_the_thang3931165_4112018.jpgBể nuôi rùa nước ngọt của anh Phan Văn Lễ. Ảnh: Thế Thắng
Anh đã làm thủ tục xin giấy phép của cơ quan chức năng để đủ điều kiện nuôi rùa tại địa phương. Để nuôi rùa, anh tiến hành xây bể xi măng trong vườn nhà. Thức ăn của rùa chủ yếu là các loại gốc cây rau muống, bèo tây, cá và xác động vật…
Đặc biệt, rùa có thể chịu nhiệt và chịu đói tốt, chúng có thể nhịn ăn được cả tháng ở chế độ ngủ đông nên quá trình nuôi thêm phần thuận lợi.
Chú rùa lớn nhất của anh Lễ hiện đã đạt trọng lượng 13kg. Ảnh: Thế Thắng

Hiện nay tổng số đàn rùa lớn nhỏ là 400 con, trong đó có 100 con rùa bố mẹ phục vụ cho sinh sản. Rùa thường nuôi từ 5 năm mới cho sinh sản; rùa miền Bắc sinh sản vào mùa xuân, rùa miền Nam vào mùa thu.

Trung bình mỗi con rùa mẹ sinh sản và ấp nở được khoảng 8 - 10 rùa con mỗi năm. Đàn rùa của anh Lễ mỗi năm sinh sản được khoảng 200 con rùa con, sau 10 ngày tuổi, rùa được nhập cho thương lái với giá 700.000 đồng/con; ước tính mỗi năm anh thu về hơn 100 triệu đồng từ việc bán rùa giống.

Rùa giống được bán với giá 700.000 đồng/con. Ảnh: Thế Thắng
Theo anh Lễ, giá rùa thương phẩm bán ra thị trường khá đắt, tuy nhiên hiện nay anh chủ yếu đang chăn nuôi rùa sinh sản và cung cấp con giống.
Nhu cầu về rùa ngày càng được thị trường ưa chuộng nên sắp tới anh mở rộng nuôi rùa thương phẩm đồng thời tiếp tục cung ứng giống cho bà con có nuu cầu nuôi.