Ông Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc thẩm tra. Cùng tham gia có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường và đại diện lãnh đạo một số sở liên quan. Ảnh: Minh Chi Thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018; các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của ngành tài chính cùng các cấp, các ngành trong việc xác định nhiệm vụ thu và bảo đảm cân đối nhiệm vụ chi ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đặt ra băn khoăn, đề nghị Sở Tài chính làm rõ, đồng thời có giải pháp mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm 2018.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường tham gia ý kiến tại cuộc thẩm tra. Ảnh: Minh Chi Lo lắng về nhiều khoản chiếm tỷ trọng lớn của ngân sách bị hụt thu so với tiến độ dự toán, như thu nội địa không tính tiền sử dụng đất, thu từ doanh nghiệp Trung ương quản lý, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực công thương ngoài quốc doanh, ông Đặng Thành Tùng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn, thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị ngành Thuế cần đưa ra các giải pháp thiết thực và quyết liệt hơn để thu ở các lĩnh vực này.
Nêu con số nợ thuế đến 31/5/2018 lên đến 1.125 tỷ đồng, tăng 296 tỷ so với thời điểm báo cáo 31/12/2017, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Đặng Quang Hồng băn khoăn, trong tổng số nợ có nợ tiền sử dụng đất, có những chủ đầu tư mặc dù đang nợ tiền đất ở các dự án trước nhưng vẫn tiếp tục giao các dự án mới; dẫn đến việc rất khó khăn để thu nợ ở khoản này.
Bởi vậy, theo ông Hồng, bên cạnh đẩy mạnh tăng thu thì cần có biện pháp quyết liệt hơn trong thu hồi nợ đọng.
Ông Đặng Thành Tùng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn, thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị ngành Thuế cần đưa ra các giải pháp thiết thực và quyết liệt hơn. Ảnh: Minh Chi Chiếu theo quy định, tỷ lệ nợ cho phép là 5% so với số thực hiện thu ngân sách. Và theo dự toán thu ngân sách cả năm 2018 của tỉnh là 12.691 tỷ đồng, nghĩa là số nợ cho phép đến ngày 31/12/2018 của Nghệ An là 634 tỷ đồng. Như vậy, tính ở thời điểm 31/5/2018 với tổng số nợ 1.125 tỷ đồng, thì Nghệ An đã vượt quy định 491 tỷ đồng và hiện nợ đang có chiều hướng tăng.
Kết luận nội dung này, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Lê Hồng Vinh nhấn mạnh Sở Tài chính cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục các khoản hụt thu, nợ đọng thuế; trong đó chú trọng tăng thu nội địa trên địa bàn; thu doanh nghiệp Trung ương, thuế xuất nhập khẩu…
Bên cạnh đó, cần thống kê, rà soát lại các dự án đã được các chủ đầu tư ký kết nhưng chưa thực hiện để có phương án chuyển đổi mục đích, hoặc chuyển nhượng để tiếp tục triển khai nhằm tạo thêm nguồn thu mới; rà soát các nguồn vốn Trung ương chưa đáp ứng để kiến nghị bổ sung.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách cũng đề nghị Sở Tài chính quan tâm đảm bảo nguồn chi vốn đối ứng, nguồn giải phóng mặt bằng cho các dự án, công trình trọng điểm; chi khắc phục thiên tai…
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh kết luận cuộc thẩm tra. Ảnh: Minh Chi Cũng trong chiều 5/7, Ban Kinh tế - Ngân sách thẩm tra báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo cần đánh giá thêm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực tiêu dùng của nhân dân; lãng phí trong đầu tư đối với các công trình, dự án xây dựng xong mà không sử dụng hoặc do thiếu vốn mà xây dựng dang dở kéo dài; lãng phí trong sử dụng xe công… từ đó có các giải pháp tương ứng.