Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Với mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT đạt tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH đạt 26 - 27% vào năm 2025, đạt 37% vào năm 2030; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95% vào năm 2025, đạt 98,56% vào năm 2030; giai đoạn 2016 - 2021, BHXH Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
BHXH tỉnh luôn xác định sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương các cấp đối với chính sách BHXH, BHYT là yếu tố quan trọng để ngành BHXH thực hiện tốt mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT. Theo đó, BHXH tỉnh đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, sát đúng với thực tiễn triển khai chính sách BHXH, BHYT tại địa phương như: Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 24/01/2018 của Tỉnh ủy Nghệ An về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT trong tình hình mới; Chương trình hành động số 88-CTr/TU ngày 20/6/2019 về việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 22/01/2019 về việc thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019-2020.
Qua đó, giao chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH, BHYT là một trong trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương... Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào chỉ tiêu để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Song song với công tác tham mưu, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhằm huy động phát huy kỹ năng, thế mạnh của các ngành trong công tác thông tin, truyền thông đưa chính sách BHXH, BHYT đến với đông đảo tầng lớp nhân dân ngay tại các bản, làng, thôn, xóm. BHXH Nghệ An đã không ngừng đổi mới hình thức, linh hoạt trong cách thức tổ chức, đa dạng trong phương thức tiếp cận để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT; nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT.
BHXH Nghệ An luôn chú trọng công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới phương thức hoạt động và hiện đại hóa ngành BHXH.
Đến nay, cùng với cả nước, BHXH tỉnh cơ bản đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, vận hành, sử dụng hiệu quả hệ thống cấp mã số BHXH và quản lý BHYT hộ gia đình; hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc; hệ thống thu nộp, chi trả điện tử; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH; thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của ngành; giải quyết, trả hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt trên 99,6%; kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các ngành; triển khai ứng dụng VSSID - BHXH số nhằm thiết lập kênh giao tiếp và tạo điều kiện cho người tham gia BHXH, BHYT tiếp cận thông tin; triển khai các giải pháp đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, số người tham gia BHXH không ngừng tăng qua các năm. Năm 2016 có 229.139 người tham gia, chiếm 13,1% lực lượng lao động trong độ tuổi, thì đến năm 2020 đạt 313.516 người, chiếm 17,06% lực lượng lao động trong độ tuổi và đến 6 tháng năm 2021 đạt 333.748 người, chiếm 17,95% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 45,7% so với năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2021 có khoảng 348.102 người, chiếm 19,06% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh (18,09%) là 0,97%.
Đặc biệt, số người, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm và hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Tính đến hết năm 2020 có 2.842.723 người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 90,8% dân số, vượt 0,8% so với chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg (90%). Dự kiến đến hết năm 2021, BHXH Nghệ An sẽ cấp thẻ BHYT cho 2.915.657 người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,54% dân số, vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (91%) là 0,54%.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù trong thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhiều giải pháp để phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, số người tham gia BHXH, BHYT không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển, tỷ lệ bao phủ BHXH của tỉnh còn thấp, có khoảng cách quá xa so với tỷ lệ bao phủ chung của cả nước và mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH; tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT chưa hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (100%).
Có thể nhận diện một số nguyên nhân chính của hạn chế đó là: Sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế, chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại địa phương, đơn vị, coi việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT nói chung, công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT là nhiệm vụ riêng của cơ quan BHXH.
Thu nhập, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp trong điều kiện ngân sách địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho người tham gia.
Một bộ phận cán bộ, chủ sử dụng lao động, công nhân lao động và người dân chưa hiểu rõ chế độ, chính sách và lợi ích, cũng như sự cần thiết phải tham gia BHXH, BHYT. Ý thức trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện khai trình lao động chưa cao; nhiều doanh nghiệp cố tình lách luật, không ký hợp đồng lao động, hoặc biến tướng ký hợp đồng thuê khoán để trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Dự báo thời gian tới, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Ccovid-19, tác động của thiên tai, để từng bước hoàn thành mục tiêu tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH đạt 26 - 27% vào năm 2025, đạt 37% vào năm 2030; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95% vào năm 2025, đạt 98,56% vào năm 2030; đến năm 2045 phấn đấu có 70% lực lượng lao động tham gia BHXH và 100% dân số tham gia BHYT..., BHXH tỉnh Nghệ An tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm.
Tập trung đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm người tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT tự đóng và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thành lập ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến từng xã, phường, thị trấn để gắn trách nhiệm lãnh đạo địa phương chỉ đạo thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi cho người tham gia; mở rộng số người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra tình trạng trốn đóng, nợ đóng và trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện hệ thống đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp, mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên các lĩnh vực; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý và sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ.
Đặc biệt, BHXH tỉnh tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện Nghị quyết Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 24/01/2018 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT trong tình hình mới; có kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT cho từng địa phương, nhất là chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến năm 2025.
Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nhất là đối với các hộ cận nghèo, bảo đảm 100% số hộ tham gia BHYT trong những năm tiếp theo. Hỗ trợ đóng BHYT cho các hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con, gặp khó khăn về kinh tế. Ngành Y tế địa phương cần phối hợp chặt chẽ ngành BHXH thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT và có trách nhiệm trong việc bảo đảm cân đối Quỹ khám, chữa bệnh BHYT.