Một trong những trẻ bị ong đốt phải nhập viện cấp cứu đó là cháu H.Y.N. (18 tháng tuổi, ở huyện Nghĩa Đàn). Mẹ cháu H.Y.N kể: Lúc 10h sáng 28/7, khi đang nấu ăn trong bếp thì chị nghe tiếng cô con gái út khóc thét sau nhà. Vội vã chạy đi tìm con, chị hoảng hốt thấy 2 anh em đang bị đàn ong lớn bu kín, tấn công. Cháu H.Y.N. đau đớn, giãy giụa, nhưng vì còn quá nhỏ nên không thể chạy trốn, chỉ có thể nằm im chịu sự tấn công của bầy ong.
Trùm vội chiếc áo dài tay, lao vào giải cứu cho 2 con, bản thân mẹ của bé H.Y.N. cũng bị ong đốt rất nhiều nốt trên đầu. Cắn răng chịu đau, chị bế con gái nhỏ ra cầu cứu hàng xóm. Nhanh chóng, cháu H.Y.N. được đem đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc và phải chuyển tối khẩn lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Ngay khi tiếp nhận, ê-kíp cấp cứu nhận thấy tình trạng bệnh nhi rất nguy kịch, cháu H.Y.N bị đau đớn nhiều, khắp cơ thể có trên 150 nốt sưng phù do ong đốt, tập trung nhiều nhất ở vùng đầu, mặt (khoảng 100 nốt), đi kèm khó thở, tím tái. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy bị suy đa cơ quan, chức năng gan và thận suy giảm.
Chẩn đoán bệnh nhân sốc phản vệ mức độ nặng, biến chứng rối loạn đông máu, các bác sĩ tích cực điều trị theo phác đồ sốc phản vệ phối hợp lọc máu liên tục… Trải qua 8 ngày lọc máu liên tục, bệnh nhân thường xuyên bị báo động tình trạng tử vong cao, nhưng rất may mắn, dần dần, bé H.Y.N. đã đáp ứng phác đồ điều trị, dần hồi tỉnh, các chỉ số cơ thể đã trở lại bình thường.
Gần đây nhất, ngày 5/8, Khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp nhận trường hợp 3 chị em cùng một nhà bị ong đốt. Rủ nhau chơi trốn tìm ngay trong vườn nhà, 3 cháu N.T.B.Y (11 tuổi), N.V.T. (5 tuổi), và N.T.K.N. (3 tuổi) (ở huyện Yên Thành) vô tình động phải tổ ong. Cả đàn ong lớn lao ra tấn công, người chị cả B.Y. ôm chầm, che chắn cho em út K.N. Nghe tiếng các con khóc thét ngoài vườn, mẹ bé hốt hoảng kêu người giải cứu, và chuyển cả 3 cháu xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Trong 3 cháu, N.T.K.N. (3 tuổi) nhỏ tuổi nhất, sức khỏe yếu, và bị ong tấn công nhiều nhất nên tình trạng đang rất nguy kịch, đang phải áp dụng lọc máu liên tục, theo dõi sát sao. Còn 2 anh chị của bé đã sớm bình phục.
Bác sĩ CKI. Nguyễn Hùng Mạnh - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết: Hàng năm, mùa Hè là thời điểm khoa ghi nhận nhiều trường hợp bị ong đốt phải nhập viện điều trị, do đây là mùa có nhiều loại hoa, quả như dứa, nhãn, vải… thu hút ong về làm tổ, kiếm ăn.
Khi bị ong đốt, bệnh nhân cần được sơ cứu, xử trí ban đầu theo dõi y tế ngay lập tức bởi các phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, ngộ độc nọc ong có thể xuất hiện nhanh chóng. Ngộ độc nọc ong là biểu hiện toàn thân khi nọc ong vào cơ thể gây độc làm phá vỡ các tế bào, các cơ quan bị tổn thương, cuối cùng suy đa phủ tạng.
Ngay khi phát hiện trẻ bị ong đốt, phụ huynh cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân tới khu vực an toàn, tránh bị bị đốt nhiều hơn và phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu sau: có nhiều vết đốt; bị đốt vào các vùng đầu, mặt, cổ kèm theo dấu hiệu phù nề lan nhanh; có các dấu hiệu toàn thân sốt, mệt mỏi, khó thở, số lượng nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu, có dấu hiệu dị ứng, mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng, chóng mặt.
Đối với các trường hợp cấp cứu do bị ong đốt trong 2 tuần qua, đa phần phụ huynh các bé không biết đến sự có mặt của tổ ong ngay trong vườn nhà trước đó, nên không có sự đề phòng cho các trẻ nhỏ. Vì vậy, để chủ động phòng tránh, các bậc phụ huynh không nên để cây cối mọc rậm rạp xung quanh nhà khiến ong dễ đến làm tổ, thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ./.