Trạm bơm điện xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn được xây dựng từ năm 1982, tưới 40 ha lúa hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống máy móc, thiết bị đều lạc hậu, chân khung sàn trạm bị hen gỉ, tủ điện cũ nát; mỗi khi trời mưa, nước dột vào trong nhà trạm.
Một công nhân điều hành trạm bơm này cho biết: Trước khi khởi động máy phải “sấy” máy bơm mất 2-3 tiếng đồng hồ. Có khi đang vận hành bơm thì hư hỏng lại phải dừng để sửa chữa, không đáp ứng kịp thời việc sản xuất bắc mạ, gieo cấy lúa cho nhân dân. Địa bàn huyện Anh Sơn có 8 trạm bơm điện, hiện nay có 4 trạm bơm điện xuống cấp đang rất cần được nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo tưới lúa.
Ông Thái Văn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam cho biết thêm: Đơn vị quản lý 36 trạm bơm, phục vụ tưới tiêu cho 30.000 ha lúa, hiện nay có 29 trạm bơm xuống cấp. Hằng năm, công ty đều duy tu, bảo dưỡng, hư hỏng đến đâu thay thế, sửa chữa đến đó.
Do hệ thống trạm bơm cũ, lạc hậu nên quá trình bơm phải thực hiện “ép” nước tiêu tốn điện năng, tăng số lượng công nhân vận hành dồn ép nước. Hàng năm công ty phải đầu tư từ 8 - 9 tỷ đồng tiền điện, chiếm 1/4 tổng chi phí cho vận hành. Do trạm bơm điện bị xuống cấp chưa đáp ứng được nhu cầu tưới, đơn vị phải mua thêm hàng chục máy bơm dầu dã chiến để “cứu” lúa khi cần thiết.
Cũng nằm trong trong tình trạng trên, các huyện Tân Kỳ, Thanh Chương hiện có nhiều trạm bơm được đặt dọc dòng sông Con, sông Lam xây dựng từ trước và sau những năm 1980, nay đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, khi thời tiết nắng nóng, mực nước xuống thấp, các trạm bơm đều phải nối thêm ống hút nước, nạo vét kênh mương bồi lắng, thời gian ép nước tăng lên làm tiêu tốn rất nhiều điện năng và kéo theo các chi phí khác.
Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Nghệ An hiện có trên 500 trạm bơm, do hợp tác xã nông nghiệp và các đơn vị thủy lợi quản lý. Hệ thống trạm bơm đều được xây dựng từ những năm 70-90 nên đã hư hỏng và xuống cấp.
Hằng năm, chi phí khắc phục các trạm bơm trong tỉnh và lượng điện tiêu hao do máy móc xuống cấp lên đến hàng chục tỷ đồng. Do đó, về lâu dài tỉnh nên quy hoạch lại hệ thống trạm bơm; có kế hoạch đầu tư đồng bộ, lâu dài, tránh đầu tư dàn trải, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa mang lại hiệu quả trong phục vụ sản xuất nông nghiệp.