P.V: Vậy là chúng ta đã bước sang năm 2021, cũng có nghĩa là mùa lễ hội đã sắp sửa bắt đầu. Xin bà cho biết kế hoạch tổ chức lễ hội của Nghệ An trong năm nay?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Từ đầu tháng 1, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành Kế hoạch tổ chức lễ hội năm 2021 và phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban và từng cá nhân theo dõi quá trình tổ chức ở các địa phương. Các lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa trong danh mục quản lý của tỉnh đã đưa vào kế hoạch tổng thể.
Trong năm sẽ có 29 lễ hội được tổ chức, gồm 20 lễ hộidiễn ra vào mùa Xuân (tháng 1-3 Âm lịch), còn lại diễn ra vào các thời điểm khác trong năm (từ tháng 4-10 Âm lịch). Lễ hội Pẩn Pang - Nang Ny (xã Châu Cường - Quỳ Hợp) là lễ hội mở màn của năm 2021, được tổ chức vào ngày 16 và 17/2 (tức ngày 5 và 6/1 Âm lịch); kết thúc là Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh - Hưng Nguyên) diễn ra vào ngày 13 và 14/11 (tức ngày 9 và 10/10 Âm lịch).
Theo quy định về đăng ký, thông báo và phân cấp quản lý tổ chức lễ hội quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, năm 2021, các lễ hội truyền thống cơ bản vẫn giữ nguyên cách thức tổ chức, nội dung, nghi lễ truyền thống gắn với phong tục, tập quán riêng của từng dân tộc, vùng, miền.
P.V: Trở lại những năm trước, bà có thể cho biết ý kiến đánh giá của mình về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có thể nói đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Về cơ bản các lễ hội đều diễn ra an toàn, lành mạnh, mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An. Vì vậy, đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách.
Ngành Văn hóa đã tập trung chỉ đạo, khôi phục, duy trì và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, nét đẹp văn hóa các lễ hội truyền thống. Như đã nói ở trên, hiện Nghệ An có 29 lễ hội được đưa vào danh mục quản lý, thực hiện đúng quy định về nếp sống văn minh theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ.
Có 7 di sản lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, bao gồm: Lễ hội Đền Chín Gian, Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Thanh Liệt, Lễ hội Đền Quả Sơn, Nghi lễ Xăng Khan, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười và Lễ hội Đền Bạch Mã.
Cùng với lễ hội dân gian, các lễ hội văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” tri ân các anh hùng liệt sỹ, Lễ hội Làng Sen gắn với kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ làng, lễ hội dòng họ, Lễ đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh hiệu văn hóa, Nghi lễ dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với các phong tục, tập quán của các dân tộc được khôi phục và do nhân dân tổ chức đã góp phần phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở, văn hóa lễ hội ở Nghệ An.
P.V: Có thể nói những năm gần đây việc quản lý và tổ chức lễ hội đang được các địa phương quan tâm và từng bước đi vào nề nếp, ý thức của người dân về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đang được nâng cao. Nhưng bên cạnh đó chắc chắn sẽ còn những hạn chế. Theo bà, những hạn chế nào cần được khắc phục trong mùa lễ hội năm nay?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Qua theo dõi, kiểm tra công tác quản lý tổ chức lễ hội trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy có một số hạn chế cần khắc phục. Đó là việc kinh doanh dịch vụ hàng hóa còn lộn xộn, đeo bám khách, ăn xin, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan dịch vụ trông giữ xe vào di tích ở một số lễ hội chưa được quy hoạch hợp lý.
Vẫn còn xảy ra tình trạng đốt vàng mã nhiều gây tốn kém, lãng phí; vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, thu gom rác thải chưa kịp thời, ảnh hưởng đến mỹ quan. Đặc biệt, việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nếp sống văn minh trong lễ hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở di tích của một bộ phận người dân và du khách còn chưa tốt, cần phải quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời...
P.V:Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu lây lan ở Việt Nam, các lễ hội mùa Xuân phải tạm dừng để ứng phó với dịch bệnh. Đến thời điểm hiện nay dịch cơ bản đang được khống chế, nhưng không có nghĩa là buông lỏng hoàn toàn. Vậy, theo bà chúng ta phải làm gì để các lễ hội năm 2021 diễn ra vừa vui vẻ, vừa đảm bảo an toàn, nhất là không để không gian lễ hội thành điểm lây lan dịch Covid-19?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Có thể xem đây là mối quan tâm không chỉ của riêng ngành Văn hóa mà cả các cấp chính quyền và toàn xã hội. Chúng tôi xác định phải thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021, đặc biệt là các lễ hội truyền thống trong dịp đầu Xuân Tân Sửu. Do vậy, Sở Văn hóa và Thể thao đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn có các hoạt động lễ hội phải tiếp tục quán triệt đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về thực hiện phòng, chống dịch trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, nơi công cộng tập trung đông người. Giảm quy mô, điều chỉnh cách thức tổ chức lễ hội, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.
Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, căn cứ tình hình thực tế tại các địa phương có lễ hội thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức các hoạt động lễ hội theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19: “Tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch… theo đúng quy định”.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, vận động, nhắc nhở thường xuyên nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về nếp sống văn minh trong lễ hội, phòng, chống dịch tại di tích và lễ hội. Tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích, các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội và hoạt động tại di tích.
Không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành các dịch vụ mang tính trục lợi, vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức. Tổ chức các phương án về trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Thứ ba, thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19. Trên cơ sở đó sẽ đảm bảo các lễ hội diễn ra vui vẻ, tiết kiệm và an toàn, tránh không để không gian lễ hội thành điểm lây lan dịch Covid-19.
P.V: Hy vọng với những giải pháp vừa nêu và ý thức cao của các tầng lớp nhân dân, mùa lễ hội sẽ thực sự an toàn. Với vai trò là giám đốc ngành VH-TT, bà có thể chia sẻ những suy nghĩ trước mùa lễ hội 2021?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Lễ hội là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hoạt động tín ngưỡng gắn với các nghi lễ dân gian tiêu biểu cho các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, vùng, miền. Mong muốn của bản thân nói riêng và ngành Văn hóa nói chung là mùa lễ hội năm 2021 diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực.
Đồng thời, mang lại sự bình an cho mỗi cá nhân và toàn thể cộng đồng, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóatruyền thống của quê hương Nghệ An. Từ đó, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt hiệu quả bền vững. Và cũng như mọi người dân và du khách đến với lễ hội, tôi cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh và quốc thái dân an...
P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!