Báo cáo của UBND thành phố Vinh cho biết: Tổng khối lượng rác thải thu gom trên địa bàn hơn 75.000 tấn/năm (trong đó xử lý bằng công nghệ đốt chiếm 14%, còn lại xử lý bằng công nghệ chôn tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên).
Tuy nhiên, phí thu được từ dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải ở Vinh chỉ đáp ứng 50% tổng nhu cầu, ngân sách thành phố mỗi năm phải bố trí kinh phí hơn 30 tỷ đồng nữa để đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Tổng kinh phí chi trả cho công tác thu gom, xử lý rác thải thành phố Vinh năm 2017 là 60,729 tỷ đồng, trong khi thu phí chỉ được 23,7 tỷ đồng.
Ông Hà Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết: Nhu cầu chi cho công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn thành phố Vinh lớn, UBND thành phố đã nhiều lần kiến nghị tỉnh về mức thu phí nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Ở thị xã Cửa Lò, tổng khối lượng rác thải trên địa bàn hơn 18.000 tấn/năm, được xử lý bằng chôn lấp tại Nhà máy xử lý rác thải Nghi Yên. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải áp dụng theo khung tối đa theo quy định của tỉnh chỉ đáp ứng được 22,1% tổng nhu cầu (số kinh phí còn lại hiện nay đang được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm do ngân sách tỉnh cấp).
Do đặc thù thị xã du lịch nên lượng rác thải vào mùa hè rất lớn và khoảng cách vận chuyển đến bãi rác Nghi Yên xa nên hiện nay UBND thị xã đề nghị tăng thêm 3.000đồng/khẩu/tháng (tương đương với mức tăng thêm 60% so với mức giá cũ).
Tại huyện Hưng Nguyên, rác thải trên địa bàn khoảng 22.000 tấn/năm, cũng chủ yếu được xử lý bằng công nghệ đốt tại Nhà máy xử lý rác thải Nghi Yên. Tuy nhiên do hạn chế kinh phí nên rác thải còn để bừa bãi thu gom chậm, rõ nhất là dọc đường đê sông Lam, tại các chợ. Rác chất đầy đường quốc lộ 46, đoạn qua địa phận các huyện hưng Nguyên, Nam Đàn. Ảnh: Quang An
Ở Huyện Nghĩa Đàn, trung bình có 40.000 tấn rác thải mỗi năm . Từ tháng 06/2017, rác được xử lý tại nhà máy xử lý của Tập đoàn T-Tech. UBND huyện dự kiến nhu cầu kinh phí xử lý rác thải khoảng 16 tỷ đồng và đề xuất nâng giá lên 40% so với giá hiện tại nhằm đảm bảo kinh phí.
Từ thực tế các địa phương cho thấy, rác thải đang rất bức xúc và dẫn tới nhiều bất cập cho đời sống. Do thiếu kinh phí nên rác thải được thu gom chậm và tạo gánh nặng cho ngân sách.