PV: Năm 2023, mặc dù bối cảnh thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội. Dự kiến có 25/28 chỉ tiêu đạt và vượt, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (DRDP) đạt 7,14%, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành. Kết quả đó có đóng góp quan trọng từ cải thiện Chỉ số PCI và thu hút đầu tư. Đồng chí có thể cho biết tầm quan trọng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hiện nay?

Đồng chí Phạm Hồng Quang - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Phạm Hồng Quang: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lâu nay được xem là công cụ đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh một cách khá chính xác, phản ánh trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp về các khía cạnh trong hoạt động điều hành kinh tế địa phương. Kết quả PCI hàng năm sau khi công bố là một kênh nhìn nhận, so sánh được với các tỉnh, thành phố, từ đó giúp thúc đẩy nỗ lực cải cách, trong đó đặc biệt thúc đẩy cải cách hành chính. PCI còn có tác động thúc đẩy các chương trình và sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo bảng xếp hạng PCI năm 2022 mà chúng ta đã biết, chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An đạt 66,60 điểm, đứng vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2021 (30/63). Đây là một bước tiến đáng kể so với trước.

Tuy nhiên, quan sát điểm số PCI của Nghệ An từ năm 2006 đến năm 2022, mặc dù điểm tuyệt đối của tỉnh liên tục tăng qua từng năm, nhưng thứ hạng lại không ổn định và chưa có sự bứt phá rõ rệt. Một số chỉ số thành phần PCI của tỉnh còn xếp thứ hạng thấp so với bình quân cả nước như: Đào tạo lao động, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian.

Trong bối cảnh thu hút đầu tư vào Nghệ An đang là điểm sáng của cả nước (là 1 trong 10 tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất năm 2023), chúng tôi xác định cần phải đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa, đồng bộ thực hiện các giải pháp để thực sự trở thành điểm sáng về cải cách hành chính, thu hút đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiểm tra tiến độ Khu công nghiệp Thọ Lộc - Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

PV: Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong thời gian tới, theo đồng chí Nghệ An cần tiếp tục thực hiện các giải pháp gì?

Đồng chí Phạm Hồng Quang: Ngay sau khi VCCI công bố chỉ số PCI năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện, đồng thời các giải pháp cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới, trong đó tập trung các giải pháp sau:

Đối với các chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ bậc: Yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp để cải thiện hơn nữa các chỉ số thành phần này.

Đối với các chỉ số thành phần giảm điểm và giảm thứ bậc: Xác định đây là điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ, các sở, ngành, địa phương cần xây dựng các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể để cải thiện các chỉ số này; trong đó tập trung vào 6 giải pháp:

Thứ nhất, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng về mặt bằng đầu tư. Trong đó, tập trung hoàn thiện, trình thẩm định, phê duyệt Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam thành Khu kinh tế Nghệ An trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong khu kinh tế. Đồng thời, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của tỉnh Nghệ An đã được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An để phát huy hiệu quả cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư.

Thứ hai, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu theo Đề án Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, như: Cảng nước sâu Cửa Lò; Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2); Đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ); Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An),… phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật có tay nghề, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học... Tăng cường hợp tác, liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để thực hiện việc đào tạo nghề, nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Tích cực sản xuất, kinh doanh trên các mặt trận, hoàn thành kế hoạch năm 2023. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Thứ tư, tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư hạ tầng hiện có (Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt,...) để chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, mặt bằng sạch để đón các nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cùng khu vực.

Thứ năm, tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa TTHC, nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp; nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ sáu, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Nghệ An và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành (DDCI) hằng năm, làm cơ sở đánh giá chất lượng công tác điều hành của các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị, qua đó tập trung chỉ đạo, hoàn thiện từng nội dung để cải thiện các chỉ số PCI. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tập trung nỗ lực thực hiện các giải pháp trên và tin rằng năm tới chỉ số PCI của Nghệ An sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!