Nhận diện khó khăn
Trên cơ sở đó, thu nội địa dự kiến năm 2020 đạt 13.416 tỷ đồng, năm 2021 đạt 14.482,6 tỷ đồng và năm 2022 đạt 15.665,3 tỷ đồng. Đối với thu tiền sử dụng đất bao gồm các khoản thu từ quy hoạch đất ở đấu giá, chưa bao gồm ghi thu tiền sử dụng đất và ghi chi xây dựng hạ tầng. Đối với tiền sử dụng đất của các dự án hạ tầng khu công nghiệp, các dự án BT,… sẽ tiến hành ghi thu tiền sử dụng đất, ghi chi tiền xây dựng hạ tầng (đổi đất lấy công trình), tiền bồi thường GPMB của các dự án theo tiến độ thực hiện cam kết của tỉnh.
Về thu hoạt động xuất nhập khẩu: Dự kiến dự toán thu từ hoạt động XNK là 5.700 tỷ đồng, trong đó: Năm 2020 thu 1.800 tỷ đồng; Năm 2021 thu 1.900 tỷ đồng và năm 2022 thu 2.000 tỷ đồng.
Đánh giá về thuận lợi, khó khăn trong thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, ông Chu Quang Hải - Cục trưởng Cục Hải quan Nghệ An cho biết: Mặt hàng đá vôi trắng (dạng cục) tăng thuế suất theo quy định tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ. Theo đó, dự báo nguồn thu ngân sách từ mặt hàng khoáng sản trong giai đoạn tới sẽ tăng lên đáng kể. Cùng đó, mặt hàng thép cán nguội nhập khẩu là một nguồn thu lớn.
Bốc xếp hàng tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền
Còn nhập khẩu gỗ dự báo sẽ đạt rất thấp, kéo theo thu ngân sách giảm mạnh do Chính phủ Lào ngày càng thắt chặt chính sách xuất khẩu gỗ và Bộ Công Thương yêu cầu dừng làm thủ tục Hải quan đối với các lô hàng nhập khẩu qua các cửa cẩu phụ, lối mở biên giới. Một khó khăn nữa là Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại, một số mặt hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0%. Đối với mặt hàng máy móc thiết bị, các dự án đầu tư lớn dần đi vào giai đoạn cuối nên khối lượng nhập khẩu giảm dần.
Đánh giá chung về thu NSNN, ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cho biết: Dự kiến năm 2020, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh là 15.216 tỷ đồng, mức thu này không đạt mục tiêu Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII (25.000 - 30.000 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do: Tốc độ tăng GRDP của tỉnh không đạt như dự kiến (theo mục tiêu đại hội cả giai đoạn 2016-2020 là 11-12%, dự kiến năm 2020 mới đạt mức cao nhất là 10%). Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp phát sinh số thuế TNDN phải nộp đạt dưới 35%,…
Mặt khác, trên địa bàn nhiều dự án kỳ vọng mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhưng nay chưa đi vào hoạt động. Sự thay đổi cơ chế chính sách có tác động làm giảm nguồn thu trên địa bàn như giảm giá bán lẻ điện bình quân, doanh nghiệp âm thuế kéo dài không được hoàn thuế; Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN phát sinh…
Một nguyên nhân nữa đó là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh trong nhiều năm như bia, sữa, thủy điện, mía đường… đã hoạt động hết công suất nên không có khả năng tạo thêm nguồn thu lớn trong những năm tới. Các khu công nghiệp chậm được lấp đầy. Các dự án lớn trên địa bàn đi vào hoạt động trong giai đoạn 2016 - 2019, tuy nhiên không phát sinh thuế nộp như kỳ vọng, điển hình như Tôn Hoa Sen, gỗ MDF, VSIP, Khu kinh tế Đông Nam.
Nỗ lực tăng nguồn thu, tiết kiệm chi
Căn cứ tình hình thực hiện và kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016 - 2019, Nghệ An dự kiến thu NSNN giai đoạn 2020 - 2022 đạt 49.263 tỷ 900 triệu đồng. Để đảm bảo kế hoạch thu ngân sách, UBND tỉnh Nghệ An sẽ triển khai các giải pháp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương; thực hiện cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thuế tại Cục Thuế Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng Cùng đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;... Xử lý các vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, tốc độ thực hiện khối lượng đầu tư XDCB, sớm đưa các công trình, dự án đi vào hoạt động. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp, trọng tâm là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp gắn với lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông lâm thủy sản. Đồng thời, làm việc với các Nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư để sớm đi vào hoạt động. Các ngành chức năng sẽ rà soát nguồn thu, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Lâm Tùng
Tỉnh sẽ làm việc với các doanh nghiệp có dự án lớn trên địa bàn tỉnh, vận động các doanh nghiệp thành lập các chi nhánh, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, tách biệt với đơn vị phân phối hàng hóa, xuất khẩu khi đầu tư vào Nghệ An để phát sinh số thu tại địa bàn tỉnh Nghệ An.
Do nguồn thu ngân sách khó đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trong khi nhu cầu chi rất lớn, vì vậy để quản lý cân đối ngân sách địa phương hiệu quả, tỉnh đề nghị các ngành, các cấp thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; yêu cầu các ngành, các địa phương tinh giản biên chế, sử dụng nguồn lực hợp lý; không ban hành chính sách, chế độ, nhiệm vụ chi khi chưa cân đối được nguồn. Chủ động điều chỉnh cân đối kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, siết chặt kỷ luật tài khóa, ngân sách, nợ công…
Tổng chi NSNN các năm 2020 - 2022 được xác định trên cơ sở kế hoạch thu ngân sách, mức bội thu và chi trả nợ vay từng năm. Theo đó, tổng chi NSNN 3 năm (2020 - 2022) ở Nghệ An dự kiến khoảng 84.358 tỷ 829 triệu đồng.