Liên quan đến vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Chu Đức Thái - Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội - Hội đồng nhân dân tỉnh và ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An xung quanh vấn đề liên quan.

P.V: Thưa ông Chu Đức Thái, một trong những vấn đề khiến phụ huynh băn khoăn nhất trong năm học này đó là việc áp dụng mức thu học phí mới theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh và mức học phí này tăng khá nhiều so với các năm trước. Đâu là căn cứ để Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua mức học phí trên?

Ông Chu Đức Thái: Tại Kỳ họp thứ 7, ngày 14/7/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập; mức hỗ trợ tiền đóng học phícho học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định thuộc tỉnh Nghệ An quản lý từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026.

Trong đó, có quy định vùng thu học phí bao gồm: Vùng thành thị (phường thuộc thành phố Vinh, phường thuộc các thị xã (trừ các đơn vị thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cơ quan có thẩm quyền), vùng nông thôn (xã thuộc thành phố Vinh, xã thuộc các thị xã, các huyện đồng bằng, các huyện miền núi (trừ các đơn vị thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cơ quan có thẩm quyền) và vùng miền núi (các huyện vùng cao, các đơn vị thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cơ quan có thẩm quyền).

Việc quy định mức thu học phí và vùng thu học phí phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế-xã hội, mức sống và khả năng đóng góp của người dân ở từng địa phương, đơn vị và phù hợp với quy định của pháp luật, nhất là quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP Quy định về mức thu học phí. Trong đó có liên quan đến 2 nội dung, thứ nhất là mức thu và thứ hai là việc phân vùng.

Tuy nhiên, trước đó, trong quá trình tham gia xây dựng nghị quyết, chúng tôi đã có công văn, lấy ý kiến và đề nghị đưa ra mức thu thấp nhất và tỉnh đã xây dựng mức thấp nhất theo Nghị định số 81. Mức thu học phí mới chia ra 3 vùng gồm thành thị, nông thôn và khu vực miền núi là phù hợp với Nghị định 81 và căn cứ vào thực tế với mục tiêu hướng đến là hỗ trợ cho người dân ở vùng nông thôn.

Nghệ An: Mức học phí mới phù hợp với điều kiện giữa các vùng dân cư ảnh 1

Năm học này, mức học phí ở các Trường THPT trên toàn tỉnh đều tăng. Ảnh: Mỹ Hà

P.V: Nghị định số 81/2021/NĐ - CP của Chính phủ được xem là cơ sở để chúng ta làm căn cứ xây dựng quy định về mức thu học phí, không phải chỉ riêng Nghệ An mà còn cho nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Việc tăng học phí cũng đã thực hiện đúng lộ trình khi Quyết định số 89/2016/QĐ-UBND đã hết hiệu lực từ năm học 2020 - 2021. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện mức thu mới đã nảy sinh một số vấn đề như phụ huynh cho rằng mức thu học phí quá cao, có sự chênh lệch giữa các vùng miền (nhất là ở những xã, phường thuộc thành phố, thị xã) hoặc có những bất cập về học phí ngay trong một lớp, trường này và trường khác trong một địa phương. Các ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Chu Đức Thái: Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã nắm được những băn khoăn liên quan đến mức thu này và có nhiều ý kiến cho rằng mức thu hiện nay cao hơn giai đoạn trước.

Vấn đề này, theo tôi là có thể hiểu nhưng theo Nghị định số 81, thì đây là mức thấp nhất và không thể thấp hơn nữa. Điều này, chúng tôi mong phụ huynh cùng chia sẻ. Bởi mức thu này đã phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng dân cư, nhất là vùng thành thị. Tôi cũng nói thêm rằng, trước khi thông qua nghị quyết, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, về nội dung Nghị quyết cơ bản phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện có những vấn đề nảy sinh, như một số trường trên địa bàn thành phố Vinh đang triển khai việc thu học phí theo hộ khẩu của học sinh dẫn đến tình trạng trong cùng một lớp nhưng có 2 mức học phí khác nhau. Tuy nhiên, từ trước đến nay quy định thu học phí đều áp dụng theo hộ khẩu của học sinh và thực tiễn cho thấy sự phù hợp và có lợi cho học sinh. Điều này cũng phù hợp nguyên tắc thu học phí “phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa bàn dân cư”. Đây là giải pháp tốt nhất để chia sẻ cho người học.

Ông Đào Công Lợi: Sau hơn 2 tháng triển khai thu học phí theo mức mới, qua nắm bắt trên địa bàn 21 huyện, thành, thị thì về cơ bản việc thu học phí đã được thực hiện bình thường. Tuy nhiên, có một số người dân trên địa bàn thành phố Vinh có băn khoăn về mức thu. Thực tế, trước đây việc thu cũng thực hiện theo hộ khẩu nhưng mức chênh lệch không nhiều, chỉ vài chục ngàn nên phụ huynh không quan tâm nhiều. Nhưng năm nay, mức chênh lệch nhiều hơn nên phụ huynh có nhiều băn khoăn.

Trước đó, khi xây dựng Nghị quyết, ngành Giáo dục và Hội đồng nhân dân tỉnh đã hướng đến người dân và đảm bảo quyền lợi cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân nhất là vùng nông thôn, vùng khó khăn. Vì vậy, mới có những mức thu chênh lệch và phân vùng.

Vấn đề nảy sinh hiện tại có những bất cập trong quản lý, nhất là trong quản lý hộ khẩu và phát sinh những trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, như tôi đã nói, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh là hướng tới người dân, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Trong khi đó, quan điểm của một số cán bộ quản lý là muốn đơn giản hóa, muốn đảm bảo công bằng trong một lớp học, trường học. Nhưng điều này là không đúng bởi từ năm 2014, Nghệ An đã có Hướng dẫn số 2446 liên ngành giữa Sở Tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thu theo hộ khẩu để đảm bảo quyền và vận dụng chính sách để hỗ trợ cho học sinh theo hộ khẩu, đúng mục tiêu hỗ trợ.

Thực hiện mức thu học phí mới, Sở đã có công văn hướng dẫn thu học phí và chỉ đạo giãn thu, để tránh áp lực cho phụ huynh, học sinh. Trước những khó khăn hiện nay, Sở đã có văn bản gửi các nhà trường, báo cáo vướng mắc trong quá trình triển khai và những kiến nghị, đề xuất để bàn giải pháp tháo gỡ.

PV: Xin cảm ơn các ông đã tham gia cuộc trao đổi!

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đào Công Lợi khen thưởng cho các học sinh đạt giải cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc". Ảnh: Mỹ Hà