bna_rau2887845_392019.jpgGần 12 ha rau của người dân xóm Vinh Xuân (Hưng Đông) ngập trong nước. Ảnh: Thanh Phúc

Mưa lớn trong những ngày qua khiến 11,5 ha rau của nông dân xóm Vinh Xuân (xã Hưng Đông, TP.Vinh) chìm trong biển nước. Toàn bộ rau cải ngọt, cải, xà lách, thì là, mùi và rau xút… bị dập nát, thối úng.

Bà Nguyễn Thị Quy, ở xóm Vinh Xuân cho biết: “Mưa to kèm gió mạnh khiến 3 sào rau của gia đình ngập trong nước, không thể thu hoạch, thiệt hại khoảng 12 triệu đồng”.

Mưa lớn cũng khiến 46,5 ha rau màu của bà con các xóm Yên Vinh, Mỹ Hòa, Mỹ Long,… chìm trong biển nước. Ở các cánh đồng thuộc vùng cao cưỡng, ngập nhẹ nhưng do mưa to nên rau bị dập nát, không thể thu hoạch. Nhiều gia đình thiệt hại cả trăm triệu đồng.

Đội mưa thu hoạch rau cải, vớt vát một phần thiệt hại khi rau bị ngập úng. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Phạm Văn Thanh - phụ trách nông nghiệp xã Hưng Đông cho biết: “Lo sợ bão số 4 đổ bộ nên trước đó người trồng rau đã phải thu dọn, tháo dỡ nhà lưới, màng, bạt phủ che chắn rau. Bởi nếu mưa to, gió lớn sẽ khiến nhà lưới hư hỏng, thiệt hại không nhỏ (khoảng 15 triệu đồng/sào) nên nông dân chấp nhận để rau hư hại. Mưa to, nước không tiêu thoát kịp, không có mái che nên rau bị dập nát, thối úng, không thể thu hoạch”.

Mưa lớn kéo dài, nguồn cung khan hiếm, rau xanh bắt đầu tăng giá, nhất là các loại rau cải, muống. Ảnh: Thanh Phúc

Vùng trồng rau Nghi Liên (TP.Vinh) có 25 ha hoa màu bị ngập, trong đó 7 ha bị ngập nặng, 1 ha rau an toàn bị hư hại hoàn toàn, ước tính thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.

Ở huyện Nam Đàn, mưa liên tục trong những ngày qua khiến 65 ha hoa thiên lý của bà con Nam Anh (Nam Đàn) thối rễ và chết. Ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: "Hiện hoa lý vào đợt thu hoạch cuối song do trời mưa nên toàn bộ cây hoa thiên lý bị chết. Còn diện tích các loại cây màu khác như cà dừa, rau cải,... mưa kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng".

Ở các vùng trồng khác, mưa lớn kéo dài các loại rau bị hư hại nhiều khiến rau xanh khan hiếm, đội giá so với trước đó. Tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Vinh, giá rau các loại tăng khoảng 20 - 30%. Cụ thể: Rau muống có giá 7.000 đồng/bó (tăng 2.000 đồng/bó); rau cải 20.000 đồng - 40.000 đồng/kg (tăng 5.000 - 15.000 đồng/kg); đậu bắp 28.000 đồng/kg (tăng 6.000 đồng/kg); bí xanh 20.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg)...
Hiện tại rau trồng trong nhà lưới, giá thể thủy canh ở Nghi Liên chưa bị ảnh hưởng, người dân bán ra thị trường với giá cao gấp đôi so với trước. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Hoàng Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Liên cho biết: "Mưa lớn gây úng ngập, diện tích rau màu bị ngập nặng, hư hại nhiều. Song trên địa bàn, khoảng 4 ha rau trồng nhà màng, giá thể không bị ảnh hưởng, hiện đang có bán ra thị trường với giá cao hơn trước 15 - 20%, như rau cải đắng, giá tăng gần gấp đôi so với trước. Hiện giá bán tại ruộng là 32.000 đồng/kg". 

Nhiều diện tích màu vụ đông vừa xuống giống đã chìm trong biển nước. Ảnh: Thanh Phúc

Dự báo, trong những ngày tới, tiếp tục có mưa lớn cộng với nhiều hồ thủy điện xả lũ dễ gây ngập úng trên diện rộng. Do đó, đối với những vùng chuyên canh rau, khi trời tạnh ráo, bà con cần tranh thủ thu hoạch, giảm thiểu thiệt hại; đối với các loại rau và cây trồng vụ đông vừa xuống giống, sau ngập úng sẽ bị nghẹt rễ, chết thối, do đó cần kịp thời khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước, áp dụng các biện pháp chăm sóc để kích thích bộ rễ phát triển và phòng trừ sâu bệnh. 

Kỹ thuật chăm sóc rau màu bị ngập úng sau mưa lớn
 

- Khơi thông dòng chảy, nạo vét luống, mương máng, đào hố 2 đầu góc ruộng nhằm tiêu nước trên và dưới bề mặt một cách nhanh nhất...

- Nếu thời tiết sau mưa có nắng, gió thì cần vén màng phủ gần gốc cây để lộ đất cho bộ rễ được thông thoáng, nước sẽ bay hơi nhanh hơn và nấm, vi khuẩn cũng không phát sinh gây hại rễ cây nhiều. Nên bổ sung một lượng tro bếp nguội vào gần gốc cây để tro hút nước lên bề mặt nhanh.

- Đối với những diện tích rau màu mới trồng nên xới xáo nhẹ, phá váng mặt luống giúp cây hồi phục.

- Kích thích bộ rễ phát triển và hạn chế bệnh hại cho câybằng cách: Dùng supe lân (1,5 - 2 kg/sào) hoặc các loại phân bón chuyên dùng siêu ra rễ (theo liều lượng khuyến cáo) tưới cách gốc cây 10 - 15 cm nhằm kích thích bộ rễ phát triển, hồi phục lại tốt hơn. Giai đoạn này tuyệt đối không nên sử dụng nhiều phân đạm vô cơ để bón cho cây, cần chú ý bón phân cân đối là biện pháp chủ động phòng trừ sâu bệnh.

- Sau khi mưa dứt, tranh thủ lúc thời tiết khô ráo, thân lá cây không còn đọng nước nên phun thuốc phòng bệnh cho thân lá và bộ rễ rau màu.