(Baonhean) - Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo Khung tham chiếu Châu Âu là một trong những điều kiện bắt buộc đối với giáo viên tham gia giảng dạy chương trình Tiếng Anh mới. Tuy nhiên, việc đào tạo và cấp chứng chỉ hiện nay đang khó quản lý, đặc biệt là về chất lượng.

Mâu thuẫn trong cùng một loại chứng chỉ

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là một trong 3 trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm. Tuy vậy, cho đến thời điểm này chỉ mới được triển khai ở 2 lớp (trong đó có một lớp đã tốt nghiệp).

Thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Việc triển khai nhân rộng còn khó bởi học sinh chưa mặn mà với chương trình mới, quá trình học còn có nhiều bất cập trong việc thi cử, việc mua sắm tài liệu gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, điều mà Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng băn khoăn là chất lượng giáo viên, dù hiện tại 80% giáo viên trong trường đã có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ C1 (theo khung tham chiếu châu Âu) theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lý do là bởi trong số này, chỉ có một giáo viên là cô giáo Nguyễn Thị Mai được cấp chứng chỉ ngoại ngữ thông qua chương trình đào tạo của Sở Giáo dục và Đào tạo. Số còn lại là do Trường Đại học Vinh và một số trường đại học trong nước cấp thông qua việc các giáo viên tự học.

Về lý, theo thầy giáo Cao Thanh Bảo thì điều này là bình thường và đúng quy trình, bởi Trường Đại học Vinh hiện là một trong 10 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo khung tham chiếu châu Âu. Tuy nhiên, điều mà vị hiệu trưởng này băn khoăn là: “Giáo viên của trường đi tham gia chương trình đào tạo của Sở Giáo dục và Đào tạo trầy trật mãi mới được một người lấy chứng chỉ C1. Trong khi đó, những giáo viên còn lại chỉ mất một thời gian ngắn đào tạo ngắn là được cấp chứng chỉ”.

images1741895_bna_58252d88dcce1.jpgGiờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THCS Trà Lân (Con Cuông).
Là 1 trong 2 giáo viên đầu tiên được cấp chứng chỉ B2 quốc tế trong đợt đào tạo năm 2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo của huyện Con Cuông, thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, nay là chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Thời điểm đó, để có được chứng chỉ B2, chúng tôi phải học tập thực sự vất vả bởi một trong những điểm yếu của giáo viên hiện nay đó là năng lực nghe và nói. Rất may, vì cả hai vợ chồng tôi đều là giáo viên tiếng Anh nên ngoài học trên lớp, chúng tôi dành hết mọi thời gian ở nhà để luyện nói và nghe. Sau này, với những giáo viên khác khi được cử đi đào tạo tôi cũng khuyên mọi người phải thực sự tập trung trong quá trình học, thậm chí phải hy sinh mọi quyền lợi cá nhân khác mới có thể hy vọng có được kết quả tốt”.

Cũng chính là “người trong cuộc” và trải qua một quá trình “khổ luyện” để lấy chứng chỉ của Sở Giáo dục và Đào tạo nên hiện tại khi làm công tác quản lý, theo dõi việc dạy và học tiếng Anh và đội ngũ giáo viên trên địa bàn, thầy Nguyễn Văn Tuấn có rất nhiều băn khoăn; bởi tỷ lệ 10 giáo viên được cấp chứng chỉ B1 hoặc B2 quốc tế và nội bộ qua các kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức (nhiều giáo viên phải thi 2, 3 lần) trên số lượng giáo viên dự thi là khá thấp. Có không ít giáo viên có trình độ thạc sỹ, đạt giáo viên dạy giỏi tỉnh vẫn trượt. Tuy nhiên, hiện nay, qua các kỳ thi khác, việc có chứng chỉ rất dễ, thậm chí có nhiều giáo viên chỉ cần đăng ký ở Trung tâm dạy nghề và chỉ ôn tập vài ngày là đã có chứng chỉ B2...

Khó kiểm soát về chất lượng

Một trong 7 nhiệm vụ quan trọng của Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành là xây dựng và ban hành khung trình độ năng lực ngoại ngữ thống nhất gồm 6 bậc. Khung này xác định rõ yêu cầu về trình độ, năng lực nghe, nói, đọc, viết tương thích với tiêu chí xác định 6 bậc do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành, trong đó bậc 1 là thấp nhất và bậc 6 là cao nhất (gồm A1, A2, B1, B2, C1, C2)

Trước đây, việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ là do Trung tâm Khảo thí thuộc Trường Đại học Cambridge cấp (được gọi là chứng chỉ quốc tế). Từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận 10 cơ sở giáo dục đào tạo được tham gia rà soát năng lực ngoại ngữ giáo viên tiếng Anh và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (được gọi là chứng chỉ nội bộ).

Giờ học ngoại ngữ ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Ảnh minh họa

Tại Nghệ An, từ năm 2011, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với một số trung tâm Anh ngữ trên địa bàn để tổ chức đào tạo và tổ chức kỳ thi lấy chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế (do Trung tâm Khảo thí thuộc Đại học Cambridge cấp). Riêng từ năm 2015 đến nay, việc thi và lấy chứng chỉ là do các trường đại học trong nước cấp (dưới sự giám sát của Cục quản lý chất lượng giáo dục) và các giáo viên chỉ có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nội bộ.

Qua theo dõi cũng cho thấy, dù chương trình ôn thi được kéo dài trong 3 tháng, giáo viên được cử đi học đều là những người có năng lực nhưng kết quả không cao và số người được cấp chứng chỉ đạt khoảng 50% (821/1657 giáo viên).

Có thể do việc thi và lấy chứng chỉ ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn, nên trên thực tế số giáo viên tham gia chương trình đào tạo ngoại ngữ do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức không nhiều và thường không đạt chỉ tiêu dù rằng giáo viên tham gia các khóa học được miễn phí hoàn toàn. Ngược lại, các giáo viên lại tự tìm đến các trung tâm để đăng ký học và thi lấy chứng chỉ.

Chia sẻ về điều này, một giáo viên ở huyện Con Cuông cho biết: “Tôi được một giáo viên ở trung tâm dạy nghề mời vào học và cam kết sẽ có chứng chỉ B2. Tuy nhiên, tôi không học vì lo ngại chất lượng. Trong khi đó, nhiều giáo viên để đối phó với bằng cấp đã đăng ký vào học và có chứng chỉ chỉ sau... vài tuần”.

Trên địa bàn tỉnh, không khó tìm đến các địa chỉ với nhiều lời mời học để lấy chứng chỉ năng lực ngoại ngữ và hầu hết đều là các khóa học ngắn hạn. Thậm chí có những nơi còn có cam kết sẽ đậu 100%. Tuy nhiên, việc giám sát chất lượng lại đang bỏ lỏng.

Ông Phan Chí Nghĩa - Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Theo quy định, nếu các trung tâm tổ chức thi chứng chỉ thì phải có giám sát của Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trên thực tế khi tổ chức thi các trung tâm đều không báo với sở để chúng tôi theo dõi. Riêng chất lượng cấp chứng chỉ ngoại ngữ của các trường đại học thì nằm ngoài vòng “kiểm soát” của chúng tôi. Rất nhiều giáo viên cũng đã phản ánh có những hiện tượng lộn xộn tiêu cực như thu phí ôn thi dự thi quá cao, thời lượng ôn tập bồi dưỡng không đủ theo quy định, kết quả phản ánh không chính xác trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh thực sự của giáo viên”.

+ Liên quan đến những tồn tại trên, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã có văn bản gửi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến về 2 nội dung. Thứ nhất là không công nhận tất cả các kết quả các kỳ thi khảo sát đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được tổ chức mà không có sự giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo của các giáo viên phổ thông của tỉnh. Hoặc giáo viên có thể tự học nhưng phải tham gia kỳ thi có sự giám sát của bộ và sở.

+ Trả lời nội dung này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã nhất trí với các giải pháp mà Nghệ An đưa ra nhằm quản lý tốt hơn đối với chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, góp phần chấn chỉnh các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

Sở cũng cần tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, ban hành quy định về quản lý và công nhận, chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh sao cho phù hợp với quy định của pháp luật và đặc thù của địa phương.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN