Sáng 4/8, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức phiên họp thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan.
Liên quan đến ý kiến của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về tỷ lệ tiêm vắc - xin trên địa bàn tỉnh còn thấp, đồng chí Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Nghệ An có khoảng 2 triệu người trong độ tuổi từ 18 - 65 tuổi thuộc diện tiêm vắc - xin. Đến nay, tỉnh đã triển khai tiêm được 80.000 mũi vắc - xin các loại, trong đó tiêm đủ liều 2 mũi cho khoảng 23.000 trường hợp.
Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ người dân được tiêm vắc - xin còn thấp, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, do giai đoạn vừa qua tình hình chung là nguồn cung vắc - xin khan hiếm nên đang ưu tiên phân bổ cho một số vùng dịch lớn trong nước; còn ở nghệ An do là một trong những địa phương phòng, chống dịch cơ bản tốt nên vắc - xin về muộn hơn.
Sắp tới, số lượng vắc - xin được phân bổ về Nghệ An sẽ nhiều hơn. Hiện nay, tỉnh đã được phân bổ tiếp 55.000 liều vắc - xin AstraZeneca; và sau đó sẽ còn tiếp nhận thêm 30.000 liều vắc - xin Pfizer.
Về phương hướng 6 tháng cuối năm 2021, Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá có 2 nguồn lây Covid -19 tại Nghệ An; đó là từ trong lan ra (hiện cơ bản được kiểm soát) và nguồn lây từ ngoài vào do sự biến động dân số từ vùng dịch về; do đó, cần quan tâm cho công tác phòng, chống dịch từ ngoài vào hiệu quả.
Theo đó, quan điểm chiến lược phòng, chống dịch Covid -19 tiếp tục được xem là cuộc chiến lâu dài; phương châm là thực hiện hiệu quả: 5K + vắc-xin. Đặc biệt, giai đoạn tới cần tăng cường công tác truyền thông gắn liền với thực tiễn để tiếp tục huy động toàn dân vào cuộc; củng cố lại mạng lưới phòng, chống dịch, nhất là các Tổ Covid cộng đồng.
Một nội dung khác Thường trực HĐND tỉnh rất quan tâm là thực hiện các chính sách an sinh xã hội, lao động việc làm trong bối cảnh tác động của dịch Covid -19. Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Nghệ An cho biết, hiện nay Nghệ An đang triển khai rất tốt kế hoạch hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có 145 người được hưởng kinh phí hỗ trợ như: hướng dẫn viên du lịch, hoạt động nghệ thuật, một số lao động tạm ngừng việc làm, trong đó có cả số lao động nuôi con nhỏ. Ngành Bảo hiểm xã hội cũng đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm; tạm ngừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất…
Liên quan đến việc giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là người lao động từ các địa phương có dịch trở về, Giám đốc Sở LĐ -TB&XH Nghệ An cũng cho biết, gắn liền với triển khai các giải pháp để hỗ trợ công dân, trong đó có đón các công dân từ các tỉnh phía Nam trở về bằng đường hàng không, đơn vị đã phối hợp nắm tình hình người dân, người lao động có hộ khẩu thường trú tại Nghệ An từ các địa phương trên cả nước về quê trong đợt dịch này.
Sở LĐ -TB&XH đang quyết liệt làm việc với các huyện, thành, thị để đánh giá lại tình hình lao động, nhu cầu việc làm, an sinh xã hội. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã nghe và thông qua Đề án giải quyết việc làm trong 5 năm tới, gắn với diễn biến của dịch Covid -19 để từng năm có phương án cụ thể về lao động việc làm.
Về giải quyết việc làm cho người lao động, đồng chí Đoàn Hồng Vũ cho biết, qua kết nối với các doanh nghiệp, hiện nay có khoảng 37.000 vị trí việc làm trong và ngoài tỉnh, trong đó khoảng 27.000 việc làm trong tỉnh đang chờ lao động và hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh nắm rất chi tiết.
Do bối cảnh dịch Covid-19 nên không tổ chức được hội chợ việc làm nhưng Sở đã chỉ đạo triển khai các cuộc tư vấn giới thiệu việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, xóm để tuyên truyền cho người dân. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh có trang wed, zalo, fanpage… để kết nối lao động và doanh nghiệp.