(Baonghean.vn) - Sau bão, hàng ngàn nông dân Nghệ An điêu đứng khi rừng keo bị bão cuốn đổ gãy. Trong khi tư tương ép giá, keo bán rẻ như cho.

Ông Đinh Văn Hải ở xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn có 8 sào keo sang năm thứ 3 bị gãy đổ. Ông cho biết giá keo ngày thường từ 1,1- 1,2 triệu đồng/tấn, nay thương lái chỉ mua giá 800.000 đồng/tấn, cây trồng 3 năm tuổi giá 600.000 đồng/tấn; do bị thiệt hại nhiều nên ông Hải đang chờ thêm ít ngày nữa chờ người trả giá cao hơn.

images1964953_400_300.jpgNgười dân xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn chăm sóc vườn keo. Ảnh: Đinh Thùy

Hiện tại, toàn xã Nghĩa Long có khoảng 80 ha cây keo, bạch đàn bị thiệt hại do bão, trong đó diện tích cây trồng dưới 2 năm gần 40 ha. Không chỉ ở Nghĩa Long, hiện ở nhiều xã việc khắc phục thiệt hại cây lâm nghiệp cũng khó khăn.

Là một trong những xã có diện tích rừng nhiều của huyện Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Hội có gần 1.500 ha keo bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều diện tích bị thiệt hại; với những hộ trồng diện tích ít đã khắc phục kịp thời, các hộ trồng nhiều thì dựng cây không xuể, phải thu gom về làm củi hoặc bán để có diện tích trồng mới cây mới.

Nhiều hộ trồng rừng ở huyện Nghĩa Đàn phải bán non do bị gãy đổ. Ảnh: Đinh Thùy

Trước nhu cầu bán keo non của nhiều hộ dân nên người buôn keo cũng đưa ra đủ lý do để từ chối, trả giá thấp.

Ông Lê Văn Hương, một người thu mua keo ở Nghĩa Đàn cho biết: Hiện keo được mua với giá khoảng 900.000 đồng/tấn, bạch đàn 680.000 đồng/tấn. Đối với các diện tích keo non, keo bị ngã chúng tôi mua thấp hơn do chi phí thuê máy cắt, nhân công chặt, bóc vỏ cao hơn.

Hiện tại do đường vào các rừng keo nhiều nơi bị lún nên chúng tôi chỉ tập trung mua ở những nơi đường khô ráo, dễ vào. Hiện có nhiều người trồng keo có gọi điện để bán nhưng diện tích nhiều nên chúng tôi chỉ mua  loại keo 4 năm trở lên, keo 3 năm mua với giá thấp hơn.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, ảnh hưởng của cơn bão số 2 đã làm khoảng 300 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại. 

Xã Hòa Sơn, Đô Lương có gần 200 ha keo bị đổ gãy chưa thể bán được do không có đường giao thông, tư thương ép giá. Ảnh: Văn Trường.

Tại Yên Thành, dọc các xã Đồng Thành, Tiến Thành, Xuân Thành, Quang Thành, Hùng Thành có bạt ngàn rừng keo bị bão đổ gãy. Đến nay, keo lai gãy đổ vẫn chưa thu dọn hết trong khi tư thương ép giá bèo bọt. 

Ông Nguyễn Tính ở xã Đồng Thành cho biết: “Nhà tui làm được gần 8 ha rừng keo 4 tuổi, vài năm nữa cắt bán cũng được 50 triệu đồng/ha. Nhưng giờ chỉ được chưa tới chục triệu đồng mỗi hécta, vì họ chê cây non. Riêng xã Đồng Thành có gần 1.000 ha keo thì có hơn 400 ha keo bị đổ gãy nhưng chỉ bán được hơn 30% diện tích ở gần đường.

Được biết, cơn bão số 2 đi qua làm Yên Thành bị đổ gãy trên 4.000 ha rừng nguyên liệu. Diện tích rừng bị đổ gãy thuộc các dự án 147, dự án WB 3, dự án phát triển bảo vệ rừng (chủ yếu diện tích rừng của nhân dân). Hiện keo lứa 2-3 tuổi bị đổ gãy không thể bán được vì non còn lứa keo 5-7 tuổi thì đường nguyên liệu bị sạt lở hư hỏng, tư thương ép giá, chỉ từ 600.000 - 700.000 đồng/tấn keo.

Người dân xã Tân Long, Tân Kỳ thu dọn keo non từ 1-2 tuổi bị đổ gãy làm củi. Ảnh: Văn Trường

Còn ông Lê Tiến ở xóm 4, xã Bài Sơn (Đô Lương) cho hay: Keo 5 - 6 năm tuổi nhưng do không có đường nguyên liệu vận chuyển nên tư thương chỉ trả giá hơn 600.000 đồng/tấn, tính ra cả công bốc vác vận chuyển thì thua lỗ nặng.

Tư thương chỉ thu mua keo ở những vùng thuận lợi giao thông, vùng keo bị đổ gãy chưa có đường nguyên liệu thường rất khó bán. Trong ảnh: Thu mua keo ở Bài Sơn, Đô Lương. Ảnh: Văn Trường

Ông Phan Hồng Tiến - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đô Lương cho biết: Cơn bão số 2 làm đổ gãy hơn 886 ha rừng nguyên liệu, hiện chỉ mới bán được trên 25% diện tích. Chính quyền địa phương cần can thiệp với các nhà máy chế biến trên địa bàn, đề nghị không giảm giá mua, giúp người dân phần nào vượt khó sau thiên tai.

Ông Nguyễn Hồng Lam - Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Bão số 2 đã làm đổ gãy trên 7.000 ha keo có tuổi đời từ 3-7 năm tuổi, người dân đang cố gắng khắc phục số keo 1 đến 3 năm tuổi bằng cách dọn dẹp, phá bán được cây nào hay cây đó để sớm trồng lại lứa keo mới. Riêng số keo 4 - 5 năm tuổi thì người dân tập trung khai thác bán dần.

Một chu kỳ trồng keo, bạch đàn từ 5 - 7 năm, mỗi ha cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng. Trong những năm gần đây, keo là lựa chọn của nhiều nông dân bởi dễ trồng, đầu ra ổn định, công chăm sóc chủ yếu chỉ tập trung vào 1 năm đầu tiên và chi phí ít hơn các loại cây trồng khác. Khi chỉ còn vài năm nữa đến chu kỳ thu hoạch thì keo bị thiệt hại nặng nề làm không ít người dân lao đao./.

Đinh Thùy - Văn Trường

TIN LIÊN QUAN