Chiều 15/8, Hội nghị Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An khóa V (2021 - 2026) đã tổ chức nhằm đánh giá công tác khuyến học từ sau Đại hội V (nhiệm kỳ 2021 – 2026) đến nay và một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.

Cùng dự có các đồng chí: Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thanh Hiền – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh.

Nghệ An huy động được hơn 50 tỷ đồng cho Quỹ Khuyến học ảnh 1

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Thanh Hiền phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Từ tháng 11/2021 đến nay, ngay sau Đại hội V, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức khảo sát về thực trạng tổ chức, hoạt động và phong trào khuyến học trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở thực trạng, Hội đã tập trung triển khai công tác xây dựng hội và phát triển hội viên với nhiều nội dung như: phân công nhiệm vụ các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách theo từng lĩnh vực; kiện toàn bộ máy chuyên trách các cấp cơ sở và tập trung chỉ đạo Đại hội kiện toàn Hội Khuyến học.

Đến nay, đã có 18/21 huyện, hội đã tổ chức đại hội theo nhiệm kỳ. Toàn tỉnh hiện có 21/21 Hội Khuyến học cấp huyện, 460/460 Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn, trên 4.096 chi hội khuyến học khối, xóm, làng, bản; 2.132 ban khuyến học cơ quan, đơn vị... Toàn tỉnh có gần 70 vạn hội viên (tăng 9.000 hội viên so với năm 2021).

Trong thời gian qua, các phong trào khuyến học vẫn được các cấp hội triển khai với nhiều hoạt động thiết thực. Từ sau đại hội đến nay, Quỹ Khuyến học tỉnh đã chi trên 900 triệu đồng để trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, khen thưởng giáo viên, học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia. Ngoài ra, quỹ toàn tỉnh chi học bổng, chi thưởng cho hơn 79.000 suất với hơn 27,2 tỷ đồng, các cấp Hội Khuyến học tỉnh đã huy động được hơn 50,1 tỷ đồng…

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác khuyến học, khuyến tài ở cơ sở. Bên cạnh đó, có nhiều kiến nghị đề xuất nhằm tăng cường phối hợp trong công tác khuyến học giữa tỉnh và cơ sở, các cơ chế, chính sách khuyến khích và có thêm kinh phí khen thưởng những học sinh đạt nhiều thành tích cao trong học tập nhằm kịp thời động viên, khích lệ tinh thần, tạo động lực phấn đấu, thi đua trong các nhà trường.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Thị Minh Sinh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh ghi nhận về những kết quả mà các cấp hội khuyến học đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Nhấn mạnh vai trò của công tác khuyến học, đồng chí Võ Thị Minh Sinh cho rằng thời gian tới cần tăng cường các hoạt động phối hợp để lan tỏa phong trào. Muốn vậy, Hội Khuyến học cần có đề án hoặc đề tài khoa học để khảo sát thực trạng của học sinh có hoàn cảnh đặc biệt theo từng đối tượng, giới tính…Trên cơ sở đó, điều tra phân tích xã hội học để có định hướng hỗ trợ và có kế hoạch tổng thể theo từng giai đoạn, trách nhiệm của các ban, ngành liên quan trong quá trình triển khai.

Liên quan đến các trung tâm học tập cộng đồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề nghị ngành Giáo dục và các đơn vị cần đánh giá lại hiệu quả của mô hình này từ cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, cần phát huy tủ sách và thư viện cộng đồng ở cấp cơ sở và kết nối để huy động các nguồn lực tài trợ cho hoạt động này.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khen thưởng các học sinh đạt giải Nhất tại các cuộc thi học sinh giỏi. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Thời gian tới, các cấp hội cũng cần quan tâm đến việc định hướng học nghề cho học sinh ở trường phổ thông. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học sinh sau khi ra trường. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện việc thi đua khen thưởng và quan tâm đến các học sinh trong thời điểm tổng kết năm học, khen thưởng các mô hình điển hình các tấm gương về công dân học tập, mô hình học tập, cộng đồng học tập… Tích cực kêu gọi với các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân nhằm huy động nguồn lực để hỗ trợ các nhà trường, các học sinh, giáo viên ở vùng cao, vùng khó khăn./.