Sau hơn 25 năm triển khai, chính sách BHYT được thực hiện với học sinh, sinh viên đã chứng minh tính đúng đắn, sự cần thiết khách quan, là giải pháp hữu hiệu giúp bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ.
“Lá chắn” bảo vệ sức khỏe
Năm học trước, căn bệnh viêm phổi do vi khuẩn quái ác bất ngờ đến với em Nguyễn Trọng Nguyên – học sinh Trường THPT Thái Hòa. Bệnh diễn biến nhanh cùng với chi phí điều trị mỗi ngày lên tới hàng triệu đồng khiến gia đình Nguyên vốn đã rất khó khăn càng rơi vào bế tắc, đặc biệt là thời điểm em phải cấp cứu và điều trị kéo dài tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Tuy nhiên, “phao cứu sinh” cho em trở lại cuộc sống bình thường đó chính là tấm thẻ BHYT. Gần 550 triệu đồng là số tiền mà quỹ BHYT đã chi trả cho Nguyên và gia đình trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện.
Một trường hợp khác cũng đã được quỹ BHYT thanh toán với số tiền rất lớn, đó là em Chế Đình Đức – học sinh Trường THPT Cửa Lò. Trong gần 3 tháng điều trị ở Bệnh viên Bạch Mai với căn bệnh xuất huyết nội sọ, số tiền quỹ BHYT thanh toán lên tới hơn 225 triệu đồng. Bệnh tình của Đức đến thời điểm này vẫn chưa thuyên giảm, đang phải điều trị kéo dài, nếu không có thẻ BHYT thì với số tiền buôn bán nhỏ của bố mẹ Đức chắc chắn không đủ để em tiếp tục điều trị.
Thầy giáo Vương Xuân Chấn – Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Lò cho biết: “Học sinh là lứa tuổi hiếu động, có khả năng bị nhiều chứng bệnh bất ngờ, nếu không có thẻ BHYT thì học sinh và gia đình các em sẽ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị động. Thế nên, từ trường hợp của em Đức, Ban Giám hiệu nhà trường đã thường xuyên tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh tham gia BHYT ; hiện tại trên 99,8% học sinh của trường đã thực hiện nghiêm túc khoản thu bắt buộc này”.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, chỉ trong năm học 2019 – 2020, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thống kê được hàng nghìn học sinh được quỹ BHYT chi trả với số tiến lớn trong quá trình điều trị tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có hàng trăm trường hợp có mức chi trả từ 30 triệu đồng trở lên với khá nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có những căn bệnh hiểm nghèo và tập trung chính tại các bệnh viện tuyến đầu của cả nước như Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ngay trong tỉnh, không ít trường hợp bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán với chi phí lớn như: Em Lữ Văn Xuân (SN 2012), học sinh Trường Tiểu học xã Hoa Xuân (Anh Sơn) được thanh toán với số tiền hơn 55 triệu đồng (điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi), em Hồ Đình Thành ở xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh được thanh toán với số tiền hơn 50 triệu đồng...
Việc được chi trả kịp thời không những giúp học sinh chiến thắng bệnh tật mà còn giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng kinh tế. Đây chính là giá trị to lớn mà BHYT đem lại, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách. Qua đó, cũng thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.
Phủ kín BHYT trong các nhà trường
Những năm qua, công tác BHYT cho HSSV trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng và thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ của 3 ngành: Bảo hiểm xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, trong năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 585.755/610.159 tham gia BHYT (đạt tỷ lệ 96%).
Trong đó, HSSV tham gia BHYT tại trường là 343.202 em, HSSV tham gia BHYT theo các đối tượng khác là 242.553 em. Toàn tỉnh có 16/21 đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT nên tỷ lệ học sinh tham gia cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh như: Tân Kỳ, Nam Đàn, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa, thị xã Hoàng Mai, Con Cuông, Hưng Nguyên...
Có 1 đơn vị có kết quả HSSV tham gia BHYT tăng đột biến so với năm học 2018-2019 là huyện Diễn Châu với tỷ lệ tăng từ 86,94% lên 90,39%. Ngoài ra, có 5 đơn vị 2 năm học liên tiếp giữ vững được tỷ lệ HSSV tham gia BHYT và đạt được mục tiêu giao của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg, đó là các huyện Nam Đàn, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn (tỷ lệ tham gia đạt 100%).
Đặc biệt, có nhiều trường học thuộc vùng khó khăn, đặc thù nhưng tỷ lệ học sinh tham gia đạt 100% như: Trường THCS Hoàng Tá Thốn (Yên Thành); Trường Tiểu học Nghi Diên; Trường Tiểu học Nghi Hoa, Trường THCS Nghi Diên (Nghi Lộc) và Trường Tiểu học Quỳnh Xuân B (thị xã Hoàng Mai).
Việc ngày càng có nhiều HSSV tham gia BHYT là bởi phụ huynh và học sinh đã nhận thức được vai trò quan trọng của BHYT và đây cũng là khoản thu bắt buộc tại các nhà trường. Đảng và Nhà nước xác định đối tượng HSSV là trụ cột tương lai của đất nước nên đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho HSSV trong việc tham gia BHYT như:cấp thẻ miễn phí HSSV nghèo, HSSV dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, HSSV là thân nhân sỹ quan quân đội, công an; hỗ trợ 30% mức đóng đối với những HSSV khác.
Riêng tại Nghệ An, ngoài việc hỗ trợ 100% mức đóng cho HSSV thuộc hộ cận nghèo, trong năm học 2019-2020, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo Sở Tài chính kịp thời bố trí ngân sách để hỗ trợ 30% số tiền đóng BHYT cho HSSV trên địa bàn với số tiền 81.728.614.019 đồng.
Về quyền lợi, ngoài việc được quỹ BHYT chi trả các chi phí khi khám bệnh, chữa bệnh, HSSV tham gia BHYT còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học. Đây cũng chính là tính ưu việt vượt trội của chính sách BHYT HSSV. Về phía cơ quan BHXH, trong năm học 2019-2020 đã trích nguồn kinh phí gần 14 tỷ đồng để các nhà trường thực hiện có hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh ngay tại trường.
Bên cạnh đó, ngoài quyền lợi tại các trường học, thì quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) của các em HSSV tại các cơ sở y tế cũng được đảm bảo, giúp cho các em có sức khỏe, điều kiện để tiếp tục trở lại học tập, rèn luyện. Trong năm vừa qua, có gần 240.000 lượt HSSV đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế với tổng số tiền gần 88 tỷ đồng.
“Để thực hiện thắng lợi mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT và để HSSV được thụ hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc sức khỏe, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của ngành BHXH rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo”.