Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An vừa có công văn về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành, thị; Chi cục Kiểm lâm và các chủ rừng trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung sau:
1. Đề nghị UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm tục Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 152/CT-BNN-VP ngày 11/1/2021 của Bộ NN&PTNT; Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 8/1/2021 của UBND tỉnh; chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương hướng dẫn người dân thực hiện việc khai thác, vận chuyển cây đào, cây mai và một số cây trồng khác ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình cá nhân tự bỏ vốn trồng theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 356/BNN-TCLN ngày 18/1/2021.
2. Yêu cầu Chi cục Kiểm lâmchỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện thường xuyên bám sát địa bàn, tham mưu tốt cho chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác truy xuất, xác định nguồn gốc cây đào, cây mai, và một số cây lâm nghiệp khác theo đúng quy định của pháp luật, không để lợi dụng chặt phá cây rừng trái phép, nhưng phải đảm bảo không phát sinh các thủ tục hành chính, gây ách tắc việc tiêu thụ sản phẩm lâm sản hợp pháp của người dân theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 356/BNN-TCLN ngày 18/1/2021.
3. Yêu cầu các chủ rừng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra đối với diện tích rừng được giao quản lý; phối hợp tốt với chính quyền địa phương các cấp, ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo, phản ánh những vướng mắc, khó khăn (nếu có) trong quá trình thực hiện để có các giải pháp tháo gỡ kịp thời cho người dân.
Trước đó, ngày 18/1/2021, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 356/BNN-TCLN về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nội dung công văn nêu rõ: Việc khai thác cây đào và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.
Tại văn bản này, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.
Trên địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An, cây đào núi (còn gọi là đào đá, đào Mông, đào rừng, đào mốc…) được người dân địa phương các xã thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong trồng rất nhiều. Có thể kể tên như các xã Tri Lễ (Quế Phong), Mường Lống, Tây Sơn, Na Ngoi (Kỳ Sơn)… Cây đào đem lại thu nhập cao cho người trồng, thông qua việc cắt cành bán trong dịp Tết và thu hái quả. Vì vậy, tại một số xã biên giới có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, người dân trồng cây đào được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước.