(Baonghean) - Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 510.000 học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ hơn 93%. Cùng với đó, hàng nghìn học sinh không may bị tai nạn, đau ốm cũng đã được thanh toán chi phí khám chữa bệnh.

Ba tháng trước, em Lê Nguyễn Minh Đức - Học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Thanh Giang (Thanh Chương), không may bị bệnh, phải điều trị dài ngày ở bệnh viện. Sau gần 15 ngày khám, chữa bệnh, gia đình Đức được quỹ bảo hiểm y tế chi trả hơn 10 triệu đồng. Phụ huynh của Đức nói rằng, đối với những nông dân như họ, số tiền đó cũng là quá lớn. Đức là 1 trong hơn 3.600 trường hợp không may bị bệnh, tai nạn nhưng được bảo hiểm y tế chi trả phí khám và điều trị từ đầu năm đến nay.

1502845960611.jpgKhám bệnh BHYT tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Bảo hiểm Y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật BHYT; trong đó có các em HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhằm để chăm sóc sức khỏe cho các em, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Năm học 2017 - 2018 đang đến rất gần, cùng với sự thay đổi về mức lương cơ sở theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức đóng của học sinh, sinh viên có tăng nhưng không đáng kể. Thực hiện Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2017 là 1.300.000 đồng/tháng, theo đó, mức đóng BHYT hằng tháng đối với HSSV cụ thể như sau: 4,5% mức lương cơ sở tương đương 58.500 đồng/HSSV/tháng. Trong đó, Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% nên học sinh, sinh viên chỉ cần đóng 40.950 đồng. 

Trong khi đó, học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế được cấp thẻ BHYT có giá trị sử dụng tương ứng với số tháng nộp tiền, được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở từ tuyến huyện và tương đương trở xuống; được khám bệnh để sàng lọc chẩn đoán sớm một số bệnh theo quy định của Bộ Y tế cũng như được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở y tế trường học; được KCB BHYT tại các cơ sở KCB từ tuyến huyện và tương đương trở xuống.

Tuy nhiên, khi vượt quá khả năng chuyên môn, kỹ thuật thì được chuyển đến cơ sở KCB BHYT khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn, kỹ thuật. Trường hợp cấp cứu, người bệnh được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào nếu xuất trình thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ chứng minh nhân thân khi ra viện.

Đặc biệt, học sinh, sinh viên sẽ được chi trả 100% phí KCB khi KCB tại tuyến xã hoặc tổng chi phí của một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở ở mọi tuyến điều trị. 100% chi phí KCB khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 7.800.000 đồng), trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến; 80% chi phí KCB BHYT cho một lần KCB có chi phí lớn hơn 15 tháng lương cơ sở.

Riêng tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở (tương đương 58.500.000 đồng) (thực hiện từ ngày 01/6/2017 theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 của Bộ Y tế).

Trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến (KCB vượt tuyến) có trình thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng là 80% nhân với tỷ lệ như sau: Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật BHYT số 46/2014/QH13 có hiệu lực đến ngày 31/12/2020. Trong trường hợp KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT hoặc cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT nhưng không đủ thủ tục theo quy định, HSSV tự thanh toán chi phí với cơ sở KCB, sau đó đưa chứng từ đến cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp.

Chính sách BHYT ngày càng mở rộng, đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân, trong đó có HSSV. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn để đạt mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Những khó khăn này gồm điều kiện kinh tế của người dân Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vùng nông thôn, miền núi, gia đình đông con. Một số địa phương chưa thật sự vào cuộc mà đang còn coi nhiệm vụ này là của ngành BHXH, ngành Giáo dục; một số trường học đang còn coi việc thu BHYT là thu hộ cho ngành BHXH mà chưa coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Để phấn đấu đạt 100% HSSV tham gia BHYT, từ nay đến cuối năm, BHXH Nghệ An tập trung một số nhiệm vụ giải pháp như phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai BHYT HSSV vào hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học 2017-2018. Phối hợp với Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn triển khai hướng dẫn liên ngành công tác BHYT HSSV vào đầu năm học. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở GD&ĐT rà soát HSSV thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, dự kiến kinh phí tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ ngân sách địa phương, trình HĐND tỉnh.

Đồng thời, BHXH Nghệ An cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để đến được với người dân. Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp với các ngành, các địa phương và đặc biệt với các nhà trường; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng phục vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, xây dựng hình ảnh người cán bộ BHXH “Thân thiện, trách nhiệm” trong nhân dân. 

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 6/2017, trên địa bàn tỉnh đã cấp bảo hiểm y tế được 510.128/544.245 học sinh, sinh viên, đạt tỷ lệ 93,73%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Nếu năm học 2012-2013, tỷ lệ này chỉ là 79,86% thì đến năm học 2013-2014, số em tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,55%. Trong khi đó, năm học 2014 - 2015 đạt tỷ lệ 90,39% và năm học 2015 - 2016 đạt tỷ lệ 91,88%.

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN