(Baonghean) - Từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Nghị định đi vào thực tiễn đã góp phần quan trọng nhằm cổ vũ, động viên công tác dân số ở vùng cao và giúp cho việc triển khai các chính sách về dân số đạt hiệu quả hơn.
Gia đình chị Bùi Thị Phương, bản Hủa Mương, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) là một trong những gia đình đầu tiên được đề nghị khen thưởng theo Nghị định số 39. Nhà chị có 2 con, ngày trước, nhiều người vẫn khuyên chị sinh thêm con, bởi tập tục đồng bào Thái thường muốn có đông con để vui nhà, vui cửa và có thêm nhân lực lao động. Tuy nhiên, vợ chồng chị lại nghĩ khác, cuộc sống đang còn nhiều khó khăn, chị không muốn con cái phải khổ vì thiếu ăn, thiếu mặc.
Không giao động trước tư tưởng bảo thủ, lạc hậu của một bộ phận cộng đồng xung quanh, gia đình chị Phương vẫn kiên định “sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Mới đây, gia đình chị được thưởng 2.000.000 đồng nhờ thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Số tiền tuy không lớn, nhưng giúp chị có thêm khoản kinh phí để mua sắm sách vở cho con khi năm học mới bắt đầu, cũng là nguồn động viên, khích lệ để 2 vợ chồng thêm vững tin với quyết định của mình.
Suy nghĩ của gia đình chị Phương cũng là suy nghĩ của nhiều người dân khác ở xã Hạnh Dịch và điều ấy góp phần quan trọng đưa Hạnh Dịch trở thành điểm sáng về thực hiện công tác dân số ở huyện Quế Phong. Hiện tại, mặc dù nơi đây đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn có nhiều hạn chế nhưng ở xã có nhiều bản liên tục không có người sinh con thứ 3. Trong đó, nổi bật như bản Pà Kỉm 20 năm liền không có người vi phạm; bản Pà Cọ, bản Chàm, bản Mứt, bản Hủa Mương đều từ 3 - 5 năm liền được khen thưởng. Hạnh Dịch cũng là 1 trong 2 xã của huyện Quế Phong đang được làm hồ sơ đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác dân số.
Trên toàn huyện Quế Phong, thực hiện theo Quyết định số 39, có trên 500 trường hợp được khen thưởng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng và là địa phương có số lượng người được khen thưởng nhiều nhất tỉnh. Quế Phong cũng là 1 trong 2 địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên thấp nhất Nghệ An với tỷ lệ sinh khoảng 8% và mỗi năm có khoảng 60% số làng, bản không có người vi phạm.
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, bà Sầm Thị Hạnh - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện cho biết: “Mặc dù là huyện miền núi, đồng bào dân tộc chiếm đa số, nhưng nhận thức của người dân về công tác dân số ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực và đó là yếu tố quan trọng để giảm thiểu việc sinh con thứ 3.
Quá trình triển khai cũng cho thấy, do đặc thù khó khăn nên huyện Quế Phong không có nhiều chính sách cho những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác dân số, thậm chí còn phải điều chỉnh mức khen thưởng. Trong hoàn cảnh này, việc Nhà nước kịp thời hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện đúng chính sách dân số có ý nghĩa hết sức quan trọng và có giá trị thiết thực, tiếp sức thêm cho công tác dân số ở cơ sở”.
Nghị định số 35/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số có hiệu lực từ 15/6/2016. Theo Nghị định này, phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc) khi sinh con đúng chính sách dân số được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ tháng đầu sau sinh con. Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An có gần 3.000 đối tượng ở 12 huyện được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. |
Để triển khai việc hỗ trợ, UBND tỉnh giao Sở Y tế, Sở Tài chính, Chi cục Dân số - KHHGĐ và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các phần việc theo chức năng để đảm bảo việc hỗ trợ được đầy đủ, chính xác.
Tại huyện Thanh Chương, mặc dù chỉ có 2 xã là Ngọc Lâm, Thanh Sơn - xã tái định cư lòng hồ thủy điện Bản Vẽ được chi trả nhưng việc thực hiện rất quy củ, khách quan và chính xác. Tại xã Ngọc Lâm, việc chi trả còn được thực hiện song song với việc ký cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hiền Ngọc - Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Thanh Chương cũng cho biết: “Xã Ngọc Lâm là xã đầu tiên không có người vi phạm về sinh con thứ 3 của huyện Thanh Chương năm 2016. Từ kết quả này, huyện hy vọng thông qua việc ký cam kết của các hộ dân thì năm 2017 và những năm tiếp theo, Ngọc Lâm vẫn là điểm sáng về công tác dân số của huyện”.
Đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện theo Nghị định số 39, ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh khẳng định: “Nghị định số 39 ra đời sẽ góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời là động lực trong việc thúc đẩy thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ, nhất là ở những vùng khó khăn, trình độ dân trí còn có nhiều hạn chế”.
Tuy nhiên, do địa bàn rộng nên đến thời điểm này số lượng các địa phương hoàn thành việc chi trả chưa nhiều. Quá trình triển khai cũng cho thấy, mặc dù đã lên danh sách nhưng số lượng biến động khá nhiều. Để thực hiện chính sách theo Nghị định 39 của Chính phủ phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các xã, các ngành, đoàn thể rà soát, nắm bắt, thống kê chính xác, tránh bỏ sót đối tượng thụ hưởng; lập hồ sơ cụ thể từng đối tượng, có cam kết của phụ nữ về việc sinh con đúng chính sách dân số được hưởng chế độ theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành đúng chính sách dân số và thường xuyên giám sát, đảm bảo việc chi trả đúng người, đúng đối tượng, khách quan, trung thực.
Mỹ Hà
TIN LIÊN QUAN |
---|