Clip: Thanh Phúc

Năm ngoái, hành tăm rớt giá thê thảm, khó tiêu thụ nên năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hương (xóm 8, Nghi Lâm, Nghi Lộc) chỉ làm 1,5 sào hành tăm (giảm 0,5 sào so với năm trước). Không chỉ giảm diện tích mà việc đầu tư chăm sóc cho cây hành cũng được gia đình bà tính toán cắt giảm.

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết: “Một sào hành tăm nếu đầu tư đầy đủ thì tốn khoảng 10 triệu đồng từ giống, phân bón, trấu, lá thông phủ, thuốc bảo vệ thực vật cộng 8 tháng bỏ công chăm sóc, thu hoạch. Năm nay, giá phân bón liên tục tăng nên chi phí đầu vào chăm sóc cây hành cũng tăng theo. Vụ hành tăm năm ngoái thua lỗ nặng, mỗi sào hành người dân phải bù lỗ 4-5 triệu đồng chưa kể công chăm sóc, thu hoạch nên năm nay, không chỉ giảm diện tích mà chúng tôi còn giảm vật tư, phân bón đầu vào cho cây hành”.

Nông dân đang vào vụ thu hoạch rộ hành tăm. Ảnh: Thanh Phúc

Nếu như vụ hành năm 2020-2021, gia đình anh Nguyễn Sỹ Cương làm 4 sào hành thì năm nay diện tích giảm xuống chỉ còn 2 sào, 2 sào còn lại, gia đình anh chuyển sang trồng ngô, lạc. Với 2 sào hành, nếu đầu tư đầy đủ thì phải bỏ ra trên 20 triệu đồng chi phí. Tuy nhiên, giá hành liên tục xuống thấp, chịu thua lỗ nên vụ hành này, anh buộc cắt giảm bớt một số chi phí đầu tư cho cây hành như: giảm lượng phân bón, giảm lượng trấu, lá thông phủ hành… Không được đầu tư, chăm sóc kỹ nên năng suất hành thấp thua so với mọi năm. 

Bà Nguyễn Thị Lâm, Xóm trưởng xóm 8, xã Nghi Lâm cho biết: “Hành tăm là cây trồng chủ lực của Nghi Lâm nói chung và xóm 8 nói riêng. Các năm trước, diện tích hành của xóm là 15 ha, năm nay, giảm xuống còn 7ha. Diện tích trồng hành trước đây người dân chuyển sang trồng ngô, lạc thay thế”.

Do cắt giảm đầu tư và bỏ bê chăm sóc nên hành kém năng suất và củ nhỏ hơn các năm trước. Ảnh: Thanh Phúc

Toàn xã Nghi Thuậncó 60 ha hành với 1.235 hộ trồng hành. Ba năm liên tiếp từ 2019 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ hành gặp khó khăn, đặc biệt vụ hành năm ngoái, giá hành rớt thảm khiến người dân thua lỗ. Mặc dù, diện tích trồng hành ở Nghi Thuận không giảm so với mọi năm song năm nay, bà con cũng cắt giảm một phần chi phí đầu tư cho cây hành để giảm thua lỗ. 

Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ hành tăm, trên các cánh đồng ở Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Mỹ, Nghi Thuận… người dân đang tập trung bới hành. Giá hành xuống thấp khiến người dân kém vui. 

Giá hành hiện đang ở mức thấp, dao động từ 15.000  - 18.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc

“Năng suất thấp hơn, giá hành cũng thấp, 8 tháng chăm sóc giờ đến kỳ thu hoạch thì cũng phải bỏ công ra đi bới. 1 sào hành, nếu 1 người thì phải mất cả tháng mới xong. Bới xong về còn phải phơi khô, ngắt hết rễ, sàng sảy sạch sẽ mới đưa đi nhập. Cả vốn lẫn công trồng, chăm sóc, thu hoạch mà chỉ bán được 16.000-17.000 đồng/kg thì lỗ nặng”, bà Nguyễn Thị Hương cho biết.

Mặc dù thua lỗ nhưng hành đã già nên buộc phải thu hoạch vì càng để càng lỗ. Bà Hồ Thị Thu, một hộ trồng hành ở Nghi Thuận (Nghi Lộc) cho biết: “Năm ngoái, đầu vụ giá hành 20.000 đồng/kg, chính vụ giảm mạnh còn 15.000-16.000 đồng/kg và không có nơi tiêu thụ nên dân ngưng thu hoạch. Để hành không trồi lên đất, đổi sang màu xanh khiến hành mất giá nên phải mua thêm trấu phủ, chờ cuối vụ giá lên mới bới bán. Song, càng về cuối, giá hành càng rớt thảm, có thời điểm, 1kg hành chỉ còn 10.000 đồng nhưng vẫn phải chấp nhận”. 

Tại vựa hành Nghi Lâm, người dân đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng hành tăm sang trồng ngô, lạc thay thế khi giá hành liên tiếp "chạm đáy". Ảnh: Thanh Phúc

Rút kinh nghiệm năm nay, khi thương lái còn thu mua, bà con đã tập trung bới hành bán, vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Mặt khác, phải thu hoạch kịp thời vụ để còn chăm sóc cây ngô, cây lạc, cây rau cải đã trồng xen trong hành từ trước để bù đắp phần nào chi phí.

Hiện tại, giá hành tươi tại ruộng là 15.000 đồng/kg, hành đã khô, sàng sảy sạch sẽ có giá 18.000 - 20.000 đồng/kg. Mức giá này được cho là “chạm đáy” song thương lái vẫn đang thu mua cầm chừng. 

Các thương lái cũng chỉ thu mua cầm chừng. Ảnh: Thanh Phúc

Không thể phụ thuộc hết vào thương lái, nhiều hộ đã xoay xở tìm cách tiêu thụ qua các trang mạng xã hội, chở đi bán lẻ tại các chợ dân sinh, kết nối với các công ty chế biến lươn khô, hành khô để bán, gửi xe nhờ người quen ở các tỉnh khác bán hộ… Tuy nhiên, với số lượng lên đến hàng nghìn tấn nên kênh tiêu thụ nhỏ lẻ này chẳng thấm vào đâu. Điều người dân mong muốn là trước mắt, các cấp, ngành tìm cách tiêu thụ hành.

Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: “Bên cạnh nhiều xã trồng hành truyền thống giảm diện tích thì tại nhiều xã khác, người dân lại trồng hành tự phát nên diện tích hành tăm của huyện năm nay là 234 ha (tăng 41,5ha), sản lượng 2.169,6 tấn (tăng 122,06 tấn). Giá hành ở thời điểm hiện tại là 15.000-18.000 đồng/kg (thấp thua so với các năm trước).

Dù giá thấp nhưng người dân cũng khẩn trương thu hoạch để chăm sóc cây trồng xen kịp thời vụ. Ảnh: Thanh Phúc

Trước diện tích hành tăng, huyện đã chỉ đạo các xã có kế hoạch, chi tiết sản xuất hành phù hợp và khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích ồ ạt. Đồng thời, tìm cách kết nối để người dân tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do vào thời kỳ thu hoạch rộ, sản lượng hành tăm nhiều nên giá cả có chiều hướng giảm”.