Điểm cao vẫn trượt đại học
So với kỳ thi trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, điểm thi của thí sinh có sự tiến bộ vượt bậc và phổ điểm cũng cao hơn các năm trước. Nhưng, đúng như dự đoán, khi phổ điểm cao thì điểm trúng tuyển của các trường cũng cao hơn rất nhiều và khiến nhiều thí sinh đánh mất cơ hội của mình, nếu thiếu một chút may mắn.
Thầy giáo Lê Đức Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 1 chia sẻ: “Đến thời điểm này, qua thống kê bước đầu, trường chúng tôi có trên 70% thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1. Những em không trúng tuyển có cả những em đạt điểm thi khá cao và điều này thực sự đáng tiếc. Điều này có nhiều nguyên do chủ quan nhưng có cả những nguyên nhân khách quan như năm nay điểm chuẩn nhiều trường tăng, một số học sinh đăng ký nguyện vọng chưa chính xác, cao hơn mức điểm của mình khiến các em mất cơ hội trúng tuyển”.
Thấp thỏm “chờ” bổ sung
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù năm nay mặt bằng chung điểm thi của nhiều thí sinh cao hơn các mùa thi trước, nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những băn khoăn về chất lượng. Nếu so sánh với 10, 15 năm trước, nếu thí sinh có điểm trúng tuyển từ 21 - 23,24 điểm đã được đánh giá là cao và có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường tốp đầu, thì nay nếu mức điểm này dường như đã rơi vào “ngõ hẹp”. Mức điểm trúng tuyển ngày càng cao cũng khiến cho các sỹ tử càng thêm lo lắng mỗi khi mùa thi về. Đây cũng là lý do vì sao, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, thay vì mong đề thi “dễ”, nhiều thí sinh sẽ kỳ vọng đề thi thật sẽ khó hơn đề thi thử hoặc đề thi minh họa để có tính phân hóa thí sinh và ranh giới giữa thí sinh có kết quả khá và giỏi sẽ rõ ràng hơn.
Trước đó, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố điểm thi, công bố điểm xét tuyển, trúng tuyển nhưng hàng nghìn thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức tuyển thẳng hoặc xét tuyển bằng kết quả học bạ. Đây cũng là lý do “cửa vào đại học của các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi ngày càng hẹp lại vì chỉ tiêu dành cho đối tượng này không nhiều. Phương thức này cũng đẩy các trường đại học ở tốp dưới tuyển sinh ngày càng khó khăn và rất khó tuyển sinh những thí sinh có chất lượng.
Thạc sĩ Lê Thị Vân Hà - Phó trưởng Khoa Kế toán phân tích - Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho rằng: “Kỳ thi năm nay có những em đã đăng ký 14 nguyện vọng nhưng vẫn không có cơ hội trúng tuyển đại học dù điểm xét tuyển của các em là khá cao. Điều này đặt cho chúng ta nhiều suy nghĩ về hình thức tuyển sinh và phương thức tuyển sinh của các trường đại học. Có thể, điểm trúng tuyển cao là điều mừng vì kết quả thi của các em rất tốt. Nhưng chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi vì sao lại có nhiều em có mức điểm cao như vậy và mức điểm nào mới phản ánh đúng chất lượng dạy và học?”.
Tại Trường Đại học Vinh, dù năm nay điểm trúng tuyển tăng khá cao nhưng đến thời điểm này các ngành thuộc Khối Sư phạm và một số ngành kỹ thuật như kỹ thuật ô tô, công nghệ ô tô đã tuyển đủ thí sinh. Những ngành còn lại, cơ hội trúng tuyển cũng đang còn phải xem xét, cân nhắc. Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Phú - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Vinh nói thêm: “Hiện nay, các ngành khối ngoài sư phạm một số ngành chưa tuyển đủ thí sinh và Hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ phải họp, xem xét căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh để tuyển sinh bổ sung”.
Vì cơ hội tuyển sinh bổ sung không nhiều, các trường chủ yếu ưu tiên tuyển sinh nguyện vọng 1 nên thời điểm này, nhiều thí sinh đã chọn phương án xét tuyển bằng kết quả học bạ hoặc lựa chọn những trường đại học thuộc khối ngoài công lập… Lựa chọn phương án nào thì đây cũng chỉ là phương án “tình thế” và điều đó chắc chắn cũng ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập cũng như cơ hội nghề nghiệp tương lai của các em sau này.
Tình huống diễn ra ở mùa xét tuyển đại học năm nay cũng đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ngành liên quan cần cân nhắc về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét tuyển vào đại học hiện nay. Nên chăng, dù tổ chức kỳ thi trong hoàn cảnh nào thì cũng phải đạt được mục tiêu đã đề ra, đó là vừa để công nhận tốt nghiệp nhưng cũng phải có căn cứ rõ ràng để xét tuyển đại học. Quan trọng hơn, kỳ thi ấy phải phản ánh đúng chất lượng dạy và học và đảm bảo được quyền lợi cho mọi thí sinh.