Theo người dân bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê huyện Con Cuông, ngày 4/9, một hộ phát hiện trâu của gia đình chết trên rừng. Sau đó, một số gia đình đã lên rừng xẻ thịt về ăn. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng.
Đến ngày 10/9, trên địa bàn có hàng chục con trâu chết vì bệnh tụ huyết trùng tại bản Đồng Tiến. Và hiện it nhất 5 con khác đang mắc bệnh này.
Tình trạng gia súc chết khiến nhiều người lo lắng. Anh Vi Văn Liên, hộ có 5 con trâu chết do tụ huyết trùng cho biết : “Hiện giờ tôi không biết phải làm sao vì đó gần như là tất cả gia sản của mình”.
Còn ông Ngân Đình Phòng - Phó Chủ tịch UBND xã Lạng Khê cho hay: Từ khi bắt đầu nhận thông tin về trâu chết ở bản Đồng Tiến, địa phương đã triển khai các phương án phòng, chữa. Tuy nhiên hiệu quả không cao vì người dân vẫn dùng thịt gia súc chết bệnh, đặc biệt hầu hết bà con vẫn thả rông trâu trên rừng.
Hiện, UBND huyện Con Cuông đã lên phương án để xử lý dịch bệnh, ngăn bệnh lây lan rộng. Việc buôn bán, vận chuyển gia súc gia cầm vào ra địa bàn đã bị cấm. Đồng thời, chính quyền huyện cũng đang tổ chức tiêm phòng dịch cho đàn gia súc và khuyến cáo bà con tuân thủ các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Tại huyện Tương Dương, ông Kha Văn Ót - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đến chiều 11/9, cơ quan chức năng của huyện phát hiện thêm ổ dịch tụ huyết trùng tại xã Yên Thắng; 11 con gia súc mắc bệnh. Đây là xã tiếp giáp với xã Xiêng My - địa phương vừa phát hiện gia súc mắc bệnh tụ huyết trùng cách đây 4 ngày.
Hiện nay, dịch được xác định xuất hiện tại địa bàn 4 bản của xã Xiêng My (bản Đình Tài, Chà Hìa, bản Chon và bản Phẩy); với hơn 40 con trâu, bò bị chết. Tổng số gia súc bị chết tại 2 xã này trong 5 ngày qua lên hơn 50 con.
"Xã Yên Thắng và Xiêng My là xã vùng sâu của huyện, hiện hai xã này vẫn đang bị mất điện từ đợt lũ vừa qua nên việc tuyên truyền người dân về dịch bệnh trên đàn trâu bò; đưa trâu, bò thả rông trên rừng về gặp nhiều khó khăn. Huyện đang chỉ đạo xã tiếp tục tuyên truyền yêu cầu các hộ đưa trâu, bò về để tiêm dự phòng, tránh tình trạng lây lan cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân" - ông Kha Văn Ót cho biết thêm.
“Chúng tôi đã phối hợp với Cơ quan thú y vùng III và các nhà cung ứng thuốc, cộng thêm kinh nghiệm thực tế trong phòng chống dịch, đưa ra một phác đồ điều trị mới, sử dụng thuốc mới được nhập khẩu từ Mỹ, áp dụng tại Tương Dương từ 5 ngày nay" - ông Minh cho biết thêm.
Kết quả ban đầu khá khả quan, từ 8/9 đến nay tại Tương Dương không có thêm trâu, bò bị chết, những con đang bị ốm đều đang hồi phục tốt, một số con đã khỏi bệnh. Hiện phác đồ điều trị mới này đang tiếp tục được áp dụng tại Con Cuông.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp cho huyện Tương Dương vay 2.000 liều vac xin tụ huyết trùng để tiêm phòng vùng dịch và hơn 100 lít hóa chất phun khử trùng tiêu độc vùng dịch.
Tại Con Cuông, huyện đã bắt đầu tiếp nhận 2.000 liều vac xin tụ huyết trùng, 2.000 liều vac xin lở mồm long móng và 100 lít hóa chất trong chương trình khống chế Quốc gia và vac xin cho miền núi, triển khai chống dịch và tiêm phòng vụ thu trên đàn gia súc.