“Căng thẳng” cuộc đua các trường tốp đầu
Hai tuần trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 chính thức được diễn ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã công bố tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh.
Em Nguyễn Nguyên - học sinh lớp 9, Trường THCS Hưng Dũng (thành phố Vinh) cho biết: “Em có lực học khá và đã đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Tuy nhiên, sau khi biết tỷ lệ chọi vào trường năm nay là gần 2 lấy 1, em khá lo lắng vì đa phần học sinh đăng ký vào trường đều có học lực khá giỏi và điểm thi chắc chắn sẽ rất cao”.
Không chỉ riêng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, 2 trường còn lại trên địa bàn thành phố Vinh là THPT Hà Huy Tập và THPT Lê Viết Thuật cũng là những trường có tỷ lệ chọi cao nhất tỉnh với tỷ lệ trúng tuyển từ 68 - 70%.
Việc các trường này tỷ lệ trúng tuyển thấp không nằm ngoài dự đoán, bởi thành phố Vinh là địa phương có tỷ lệ học sinh lớp 9 rất đông, trong khi cả thành phố chỉ có 3 trường THPT công lập, bên cạnh 2 trường chuyên là THPT chuyên Phan Bội Châu và THPT chuyên Đại học Vinh. Điều này khiến cho cuộc đua vào lớp 10 ở thành phố Vinh luôn căng thẳng hơn các địa phương khác và số lượng học sinh đậu vào trường công lập cũng không cao.
Tại huyện Yên Thành, trong số 6 trường THPT công lập trên địa bàn thì Trường THPT Bắc Yên Thành là trường có tỷ lệ chọi cao nhất (70%), cao hơn cả Trường THPT Phan Đăng Lưu - vốn được xem là trường nằm trong tốp đầu của tỉnh. Với số lượng thí sinh đăng ký đông 841 em nhưng chỉ có 588 chỉ tiêu nên năm nay trường cũng không tuyển sinh nguyện vọng 2 mà chỉ ưu tiên tuyển sinh những học sinh đăng ký vào trường.
Ông Nguyễn Bá Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Yên Thành cho biết: “Nhiều năm nay, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường đều khá nhiều, nhưng đây là năm có số lượng hồ sơ đăng ký đông nhất. Điều này một phần là do vùng tuyển sinh của nhà trường rộng nhưng bên cạnh đó cũng đã khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, dù cơ hội trúng tuyển khá thấp nhưng học sinh vẫn có nhiều cơ hội để trúng tuyển NV2 vào một số trường THPT công lập khác gần với địa bàn”.
Huyện Diễn Châu cũng là địa bàn có số lượng học sinh lớp 9 đông. Vì thế, dù trên địa bàn đã có đến 5 trường THPT công lập nhưng năm nay, tỷ lệ trúng tuyển của thí sinh vẫn rất hạn hẹp. Trong đó, các trường như Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, THPT Diễn Châu 3 tỷ lệ trúng tuyển chỉ từ 67 - 71%, các trường THPT Diễn Châu 4 và THPT Diễn Châu 5 dù “dễ thở” hơn nhưng tỷ lệ này cũng chỉ 83 - 84%.
“Nhà trường rất mừng bởi năm nay số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký vào trường khá đông và hy vọng qua đó sẽ tuyển được những học sinh thực sự có chất lượng. Thực tế thì qua rà soát hồ sơ đăng ký của thí sinh, chúng tôi thấy có khá nhiều học sinh từng đạt học sinh giỏi huyện, học sinh giỏi tỉnh, nhiều học sinh có học lực khá giỏi. Với chất lượng thí sinh như hiện nay, điểm chuẩn vào trường sẽ không thấp hơn năm ngoái...”. Năm học trước Trường THPT Diễn Châu 3 cũng là trường có điểm chuẩn cao nhất huyện Diễn Châu với điểm trúng tuyển là 22,4.
Không có nhiều cơ hội để thay đổi nguyện vọng
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay để thuận lợi cho thí sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tạo điều kiện cho các thí sinh được thay đổi nguyện vọng 1 (NV1), nguyện vọng 2 (NV2), nguyện vọng 3 (NV3) ngay sau khi các trường công bố tỷ lệ trúng tuyển. Trước đó, việc mỗi thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng cũng xem là điều kiện thuận lợi cho các thí sinh trong quá trình đăng ký vào lớp 10.
Với cơ chế “mở” trên về lý thuyết thì thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn nhưng trên thực tế việc lựa chọn của thí sinh vẫn rất khó khăn vì có rất ít trường cho thí sinh đăng ký NV2 và NV3. Lý giải về điều này, Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 cho biết: Trong những năm gần đây, điểm trúng tuyển của trường khá cao. Vì vậy, nếu trường lấy 10% thí sinh xét tuyển NV2, NV3 thì điểm trúng tuyển của các thí sinh này sẽ rất thấp, thậm chí thấp hơn điểm của thí sinh thi vào trường. Vì vậy, chúng tôi phải ưu tiên tuyển sinh những thí sinh có kết quả cao hơn.
Ưu tiên cho chất lượng cũng là lý do rất nhiều trường không tuyển thí sinh NV2, NV3. Một số trường còn lại (rất ít) thì cũng có những lý do riêng. Nói về quyết định tuyển sinh NV2, ông Lê Khắc Thục - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Kỳ cho biết: “So với các trường khác trên địa bàn, chất lượng thí sinh của trường chúng tôi khá cao. Tuy vậy, mấy năm nay, nguồn tuyển sinh ít nên tỷ lệ chọi thấp và dẫn đến tình trạng có những thí sinh điểm rất cao nhưng cũng có những thí sinh điểm trúng tuyển rất thấp, như năm ngoái là 11 điểm. Do đó, nếu tuyển sinh NV2, chúng tôi sẽ có cơ hội lựa chọn những thí sinh có điểm cao hơn từ trường khác về để nâng cao chất lượng đầu vào của nhà trường”.
Ngay như năm nay, bên cạnh có những trường tỷ lệ trúng tuyển rất khó thì vẫn có những trường cơ hội trúng tuyển khá dễ dàng khi tỷ lệ trúng tuyển trên 90%.
Đó là các trường như: THPT Nghi Lộc 2 với 387 chỉ tiêu/409 thí sinh dự thi (tỷ lệ 95%), THPT Nam Đàn 2 (420/425, tỷ lệ 99%), THPT Thanh Chương 1 (tỷ lệ 96%), THPT Đặng Thai Mai (tỷ lệ 98%), THPT Anh Sơn 3, THPT Tân Kỳ 3, THPT Yên Thành 2 (tỷ lệ 99%), THPT Cờ Đỏ (tỷ lệ 99,5%). Với số lượng thí sinh đăng ký sát với chỉ tiêu tuyển sinh dự báo có rất nhiều trường sẽ phải “vét” đến những thí sinh cuối cùng và điều đó cũng khó đảm bảo về chất lượng đầu vào. Điều đó, cũng không tránh khỏi thực trạng có những thí sinh chỉ từ 2 - 3 điểm/môn cũng đã trúng tuyển.
Như vậy, với những con số mà Sở Giáo dục và Đào tạođã đưa ra về tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 năm nay của các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh thì kỳ thi năm nay vẫn phân ra 2 vùng khá rõ rệt giữa những trường trung tâm, tốp đầu và những trường thuộc tốp dưới. Cuộc đua vào lớp 10 vì thế cũng sẽ khó khăn hơn với những địa phương có số lượng học sinh đăng ký đông nhưng chỉ tiêu tuyển sinh lại hạn chế. Nhiều phụ huynh và thí sinh đã khẳng định, việc thi tuyển vào lớp 10 công lập còn “căng” hơn tuyển sinh vào các trường đại học.
Việc nhiều trường công lập có ít thí sinh đăng ký dự thi và dự kiến sẽ phải tuyển đến những thí sinh cuối cùng sẽ khiến cho nhiều trường ngoài công lập và các trung tâm GDTX - GDNN, các trung tâm GDTX gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh đầu cấp. Trong khi đó, xu hướng hiện nay của nhiều gia đình lại chuyển sang cho con đi học nghề hoặc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THCS./.