KHÓ KHĂN TỪ NGUỒN CUNG

Giá xăng tăng mạnh xuất phát từ giá dầu thô thế giới tăng cao, cùng với việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất từ 105% xuống 80%, hiện nay đang chạy ở mức 55%-60%; nên dù Bộ Công Thương chỉ đạo Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn tăng công suất lên 105% vẫn chưa đủ bù đắp nguồn cung. Thực tế đó đã ảnh hưởng đến việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước theo cam kết, hợp đồng đã ký kết.

Hiện nay, Bộ Công Thương thường xuyên tăng cường phối hợp với Cục Quản lý giá Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung - cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

image_694549_2232022.jpegCác doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn tỉnh cam kết đáp ứng đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Ảnh: TH

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức,… đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình, đồng thời tăng cường nhập khẩu để bù đắp nguồn thiếu hụt của các đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu khác.

Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/2022 về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý 2/2022, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được giao nhập khẩu bổ sung thêm 1.065.567 m3; Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) nhập khẩu 488.688 m3; Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức nhập 144.152 m3 và Công ty CP Hóa dầu Quân đội nhập 41.636 m3.

Theo dự báo, từ đến hết tháng 3/2022, khi công suất của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng lên, cùng với lượng hàng nhập khẩu liên tục từ các thương nhân đầu mối thì tình hình nguồn cung xăng dầu sẽ dần được khắc phục, các thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất.

Thời gian qua, giá xăng dầu trong nước năm 2021 đã có 24 lần điều chỉnh giá, trong đó xăng có 16 lần tăng giá, 5 lần giảm và 03 lần giữ nguyên. Sang đầu năm 2022, giá xăng dầu có 6 lần tăng giá liên tiếp với mức giá tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, xăng E5RON95 đã tăng hơn 5.800 đồng/lít, xăng RON95 tăng gần 6.000đ/lít, dầu Diesel tăng ở mức cao nhất là 7.000đ/lít.
NGHỆ AN ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG CHO THỊ TRƯỜNG

Tại Nghệ An hiện có 08 thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Nguồn cung ứng xăng dầu của hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ yếu qua Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức và chủ yếu lấy qua các kho Bến Thủy; Nghi Hương; Nghi Sơn. Nguồn hàng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam lấy chủ yếu qua Nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, kho Vân Phong và di chuyển nội bộ từ kho B12.

Theo Sở Công Thương Nghệ An, nhu cầu sử dụng xăng, dầu địa bàn tỉnh bình quân từ 58.000m3 - 60.000m3/tháng. Trong đó 55% thị phần nguồn cung từ Công ty Xăng dầu Nghệ An, 30% từ Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức và 15% còn lại là các thương nhân khác (Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh, Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty TNHH Tân Xuân…).

Nhu cầu sử dụng xăng, dầu địa bàn tỉnh bình quân từ 58.000m3 - 60.000m3/tháng. Ảnh: TH

Theo ông Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Nghệ An, từ đầu năm 2022 đến nay không có cửa hàng xăng dầu của khách hàng Công ty phải đóng cửa do thiếu nguồn. Trong thời gian tới, công ty vẫn sẽ đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn hàng xăng dầu cho thị trường như bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu trực thuộc, khách hàng công nghiệp và hệ thống phân phối. Công ty vẫn được Tập đoàn đảm bảo nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu trong nước nên hiện tại nguồn đang đảm bảo cho nhu cầu tất cả các khách hàng của mình.

Các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu ở Nghệ An cam kết luôn duy trì đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường. Nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh được các thương nhân đầu mối, phân phối chủ động có kế hoạch dự trữ nên lượng hàng đảm bảo đủ cung ứng cho các cửa hàng xăng dầu trực thuộc doanh nghiệp và cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống đại lý/nhượng quyền thương mại đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn. Tuy nhiên, theo phản ánh cửa hàng xăng dầu, hiện nay chiết khấu của một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn chỉ được ở mức 80-200 đồng/lít, thậm chí có tình trạng chiết khấu bán hàng gần như không còn đối với các mặt hàng xăng, dầu dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị lỗ; nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu muốn bán cầm chừng hoặc nghỉ bán để giảm lỗ.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch cung ứng xăng dầu. Ảnh: TH

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã, Cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở và các thương nhân kinh doanh xăng dầu về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Đến nay, Sở Công Thương đã nhận được văn bản cam kết của nhiều thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, theo đó các doanh nghiệp cam kết thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Trước tình hình biến động của xăng dầu, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cam kết chấp hành nghiêm các quy định, duy trì cung ứng xăng dầu trong hệ thống và tại các cửa hàng bán lẻ, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Các doanh nghiệp cam kết bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trong mọi tình huống; Không găm hàng, đầu cơ tích trữ, đưa tin thất thiệt nhằm trục lợi, không giảm thời gian bán hàng; Không tự ý ngưng bán hàng khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận.

“Bên cạnh công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng phương án đảm bảo và công khai nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường trong thời gian tới. Các đơn vị phải duy trì hoạt động tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung ứng kịp thời, đầy đủ xăng dầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trên địa bàn”, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An khẳng định.

Theo quy định tại Điều 27, Nghị định 95/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/01/2022 thì 10 ngày/lần điều chỉnh giá xăng dầu, ở các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng. Trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.