Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan và lãnh đạo các địa phương ở điểm cầu 21 huyện, thành, thị.
Nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ em
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2019 đến 30/4/2021, toàn tỉnh có 119 vụ trẻ em bị đuối nước. Trong đó, có 130 trẻ em tử vong do đuối nước (năm 2019: 51 vụ 58 trẻ tử vong; năm 2020: 52 vụ 56 trẻ tử vong; 4 tháng năm 2021: 16 vụ 16 trẻ tử vong).
Cũng theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 2 năm gần đây, số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng tỷ lệ giảm không nhiều. Từ năm 2019 đến 30/4/2021, toàn tỉnh có 81 vụ/93 bị can/85 trẻ bị hại. Năm 2019 giảm 4,4% so với năm 2018, năm 2020 giảm 18% so với năm 2019, 4 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra 6 vụ/6 bị can/6 trẻ bị xâm hại.
Điều đáng nói các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng nguy hiểm, có những trường hợp trẻ em bị xâm hại tuổi còn quá nhỏ. Phần lớn các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đều có quan hệ nhất định với người thân hoặc chính trẻ em bị xâm hại, như: bố, mẹ, bạn bè, hàng xóm, giáo viên, người có trách nhiệm chăm sóc, người quen của trẻ em.
Phương thức, thủ đoạn xâm hại rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với trẻ em hoặc người thân của trẻ em để tìm cách tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ em, nhất là các vụ xâm hại tình dục và mua bán trẻ em.
Với thực trạng đáng lo ngại trên, tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã phân tích những thực trạng nguyên nhân khách quan, chủ quan và đánh giá lại các giải pháp thực hiện. Đơn cử như với vấn đề dạy bơi, hiện nay, toàn tỉnh chỉ mới có trên 150 bể bơi (trong đó khoảng 50% là các doanh nghiệp).
Con số này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và trong quá trình quản lý vẫn có tình trạng lơ là giám sát, dẫn đến tình trạng đuối nước ngay khi đang học bơi, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
Báo cáo tổng kết cũng chỉ ra một số bất cập như vẫn còn một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích đuối nước, xâm hại trẻ em, hiệu quả có nơi còn hạn chế. Công tác tuyên truyền có nơi, có lúc thiếu thường xuyên liên tục, nhất là các địa phương ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Hầu hết các trường học đã triển khai việc dạy kỹ năng bơi và phương pháp sơ cứu cho người bị đuối nước nhưng cơ bản là về lý thuyết, thiếu thực hành do hệ thống bể bơi ở các địa phương còn ít. Một số nơi, môi trường sống xung quanh trẻ thiếu an toàn, nhiều vùng ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, hố công trình… tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị tai nạn đuối nước.
Đặc biệt, kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước, xâm hại trẻ em rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra và chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho rằng: Vấn đề đuối nước và xâm hại tình dục trẻ em hiện nay đang diễn ra ngày một nhiều và rất đáng báo động.
Từ thực tế này, đồng chí Bùi Đình Long khẳng định, để phòng chống đuối nước thì phải có bể bơi, phải có người dạy bơi. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao ngay trong năm nay phải xây dựng một đề án về việc triển khai dạy bơi trong toàn tỉnh và đề xuất các cơ chế chính sách – không để xảy ra thực trạng toàn tỉnh hơn 1.000 trường học mà chỉ có 25 bể bơi.
Ngành Giáo dục phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục khảo sát thực trạng số học sinh biết bơi trong trường học. Đồng thời, phải nghiên cứu đưa việc dạy bơi vào trong chương trình giáo dục, để nhà trường xây dựng các tiết học bơi trong chương trình, có thể ngoại khóa hoặc chính khóa.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền cũng cần nâng cao trách nhiệm về công tác đuối nước và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề tai nạn, thương tích đuối nước. Đồng thời, rà soát các điểm nguy hiểm để có giải pháp cụ thể. Các ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ lồng ghép các nội dụng phòng chống đuối nước vào các hoạt động.
Về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, đồng chí Bùi Đình Long đề nghị cần tiếp tục công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng tránh, thay đổi hành vi và khi có vụ việc xảy ra thì phải nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Thời điểm này, trong giai đoạn chuyển tiếp sang nghỉ hè, tình trạng đuối nước và tai nạn thương tích có nguy cơ tăng cao. Trước thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tỉnh đoàn Nghệ An xây dựng các chương trình hoạt động trong dịp hè để thu hút học sinh tham gia lành mạnh, an toàn, tránh những chỗ chơi nguy hiểm. Việc triển khai phải được thực hiện sớm để có những giải pháp thực sự, hiệu quả.