Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh và UBND một số huyện, thành.
Toàn tỉnh hiện có gần 22 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có khoảng gần 12 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, trên 90% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ nên việc được hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ về pháp lý là vô cùng cần thiết. Hiện tại, mặc dù quy mô nhỏ và vừa nhưng vẫn hoạt động theo hành lang pháp lý chung với các doanh nghiệp khác là Nghị định số 66/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn và thường rơi vào thế yếu.
Trên thực tế, do nguồn kinh phí quá ít (chỉ 72 triệu đồng/năm qua Sở Tư pháp) nên sau 10 năm thực hiện, mặc dù tỉnh có chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhưng khả năng tiếp cận thông tin pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế.
Sau khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ra đời, Sở Tư pháp đã được HĐND tỉnh giao xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình HĐND tỉnh.
Tại dự thảo, có 4 chính sách hỗ trợ pháp lý được đưa ra, theo đó từ 2021 đến 2025, tỉnh dành khoảng 5,15 tỷ đồng, bình quân mỗi năm trên 1 tỷ đồng để hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đáng chú ý có 4 chính sách thì có chính sách hỗ trợ mỗi 10 triệu đồng/doanh nghiệp và mỗi năm không quá 10 doanh nghiệp...
Tại hội nghị, đại diện Sở Tư pháp đã tổng hợp ý kiến đóng góp của một số sở ngành, hiệp hội vào chính sách; giải trình lý do tiếp thu và không tiếp thu góp ý của các sở, ngành và hiệp hội vào dự thảo vì còn một số điểm còn chồng chéo, trùng lặp với chính sách khác.
Về phần mình, đại diện các sở, ngành, hiệp hội và các huyện, thành tiếp tục góp ý bổ sung làm rõ nguyên tắc, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn cao của các sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp cũng như UBND huyện, thành.
Trên cơ sở lắng nghe giải trình của Sở Tư pháp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành rà soát, cân đối nguồn lực tài chính hỗ trợ, cân đối thêm để tăng số doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp hàng năm, thay vì 10 doanh nghiệp/năm như dự thảo; giao Ban soạn thảo của tỉnh tiếp tục tiếp thu, rà soát các đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng, hạn chế trùng lắp với chính sách khác; quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ chú ý lồng ghép các kênh và nguồn để hỗ trợ pháp lý thiết thực không chỉ cho doanh nghiệp mà còn người lao động; sớm hoàn thiện dự thảo chính sách trên để trình HĐND tỉnh sớm cho ý kiến thông qua theo kế hoạch./.