(Baonghean) - Sản xuất vụ xuân năm nay dù chưa bắt đầu, nhưng với diễn biến thời tiết như thế này, được dự báo tiếp tục sẽ là một vụ xuân ấm, nguy cơ thiếu nước. 

Mỗi năm, Quỳnh Lưu gieo cấy 7.500- 7.600 ha lúa vụ xuân. Tuy nhiên năm nay, trước tình hình hạn hán, dự báo nhiệt độ cao hơn so với bình thường nên công tác chỉ đạo và sản xuất vụ xuân ở Quỳnh Lưu cũng có những thay đổi. Ông Nguyễn Xuân Dinh, trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hiện tại, huyện đang tiếp tục rà soát, dự báo tình hình thiếu nước ở từng vùng để “chốt” phương án sản xuất phù hợp. Kế hoạch của huyện hiện có hai phương án. Nếu không có mưa, nguồn nước khó khăn sẽ quyết liệt chuyển khoảng 500- 700 ha sang các loại cây trồng khác như ngô. Những vùng có điều kiện sẽ sản xuất rau màu (300- 400 ha vùng sử dụng nước hồ đập Quỳnh Tam, Quỳnh Châu, Ngọc Sơn… và diện tích còn lại ở vùng “ăn” nước nông giang cuối nguồn như Quỳnh Hoa, Quỳnh Lâm…). Ngược lại, thời tiết thuận lợi sẽ giữ nguyên diện tích lúa.

Nông dân xã Nhân Thành, Yên Thành thu hoạch lúa xuân 2015
Nông dân xã Nhân Thành, Yên Thành thu hoạch lúa xuân 2015

Với dự báo nhiệt độ cao, hạn hán gay gắt, điều chắc chắn là sản xuất hè thu sẽ thiếu nước nghiêm trọng, nhiều diện tích lúa sẽ phải chuyển đổi hoặc chuyển sang lúa Mùa, nên trong vụ xuân năm nay, Quỳnh Lưu chủ trương đưa vào sản xuất 80% diện tích các giống lúa lai, có thời gian sinh trưởng ở nhóm trung bình, cho năng suất cao như Thái xuyên 111, 27P31…  và tập trung thâm canh để có sản lượng lúa lớn nhất; chỉ bố trí những giống lúa ngắn ngày ở các vùng thu hoạch vụ đông muộn.

Ở Đô Lương, lúa vụ xuân thường được cấy muộn hơn so với những nơi khác. Năm nay, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã đối với trà 2 (những giống có thời gian sinh trưởng trung bình và chiếm 70% diện tích) sẽ cấy sau mùng 4 tết để tránh trổ gặp rét ảnh hưởng năng suất. Trà đầu sử dụng các giống năng suất, chất lượng cao, các giống ngắn ngày bố tí ở vùng chạy lụt vụ hè thu.

Phó chủ tịch UBND huyện, ông Nguyễn Công Châu cho biết: Để né tránh những bất lợi về thời tiết, Đô Lương chủ trương xây dựng lịch thời vụ hợp lý trên cơ sở lịch của tỉnh, đồng thời là địa phương có diện tích lúa gieo thẳng khá lớn, huyện tập trung chỉ đạo nông dân không lấy lịch ra mạ và lịch gieo cùng lúc mà phải gieo chậm hơn lịch ra mạ từ 7- 10 ngày nếu cùng loại giống để cho trổ cùng thời điểm. Dự kiến Đô lương cũng sẽ chuyển đổi khoảng 700 ha ở các xã vùng hai đầu huyện “ăn” nước hồ đập nhỏ như Nhân Sơn, Mỹ sơn, Trù Sơn, Đại Sơn… Huyện đang đề xuất tỉnh hỗ trợ 50- 70% giá giống cây trồng chuyển đổi, huyện trích ngân sách hỗ trợ thêm 30% theo cơ chế hỗ trợ đặc thù.

Trong 85.000 ha lúa vụ xuân năm nay, có tới 11.000 ha có nguy cơ cao sẽ thiếu nước. Trước tình hình hạn hán gay gắt đã bắt đầu hiện hữu, các địa phương cần có phương án sản xuất phù hợp. Theo ông Nguyễn Văn Lập, phó giám đốc Sở NN&PTNT, thì cơ bản giống lúa vụ xuân đều được ra mạ trong tháng 1/2016, nếu từ nay đến cuối tháng 12/2015 vẫn không có mưa bổ sung thì 5.000 ha vùng “ăn” nước hồ đập sẽ không đưa vào cơ cấu cấy lúa và bắt buộc phải chuyển đổi; với 6.000 ha vùng sử dụng nước đập dâng, trạm bơm thì phải tính toán cụ thể để có phương án chuyển đổi phù hợp vì đây hầu hết đều là những vùng thấp và dễ ngập. Khi chuyển đổi từng địa phương phải xây dựng phương án cụ thể đến tận từng hồ chứa, từng xóm, tránh tình trạng như vụ xuân năm 2015, ở một số diện tích dù đã được khuyến cáo nhưng bà con vẫn cấy, đến lúc trổ không được vì gặp hạn, thiệt hại nặng nề. 

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN