(Baonghean) - Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND các cấp đã tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó chú trọng những nội dung liên quan đến quyền lợi của cử tri.

Giám sát là một trong những chức năng cơ bản và quan trọng của Quốc hội và HĐND. Ngoài giám sát của Thường trực và các Ban HĐND các cấp như lâu nay thì theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 có thêm hoạt động giám sát của HĐND các cấp.

Mặc dù vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng thực tiễn triển khai thời gian qua của HĐND tỉnh và các huyện, thành, thị đã đem lại hiệu quả đáng ghi nhận. 

1505440188831.jpgĐoàn giám sát của HĐND tỉnh tìm hiểu đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số xã Tiền Phong (Quế Phong). Ảnh: Mai Hoa

Đối với thành phố Vinh, nội dung giám sát được HĐND thành phố lựa chọn là công tác quản lý trật tự đô thị. Đây là vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm và là chủ trương được Thành ủy, UBND thành phố, các cơ quan chức năng, chính quyền các phường, xã đã và đang tập trung chỉ đạo.

Để đảm bảo giám sát có hiệu quả, ngoài thành lập đoàn giám sát giữ vai trò nòng cốt, Thường trực HĐND thành phố yêu cầu HĐND các phường, xã, từng tổ và các đại biểu HĐND thành phố cùng tham gia giám sát.

Các đại biểu HĐND thành phố ở từng phường, xã đều có sổ nhật ký giám sát, theo dõi hàng ngày, kịp thời phát hiện những bất cập trong quản lý trật tự đô thị ở địa bàn và có trách nhiệm báo cáo với các cơ quan chức năng xử lý; hàng tuần báo cáo về Thường trực HĐND thành phố nhật ký giám sát của mình.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Vinh, Lê Văn Ngọc chia sẻ: “Với cách thức giám sát đề cao vai trò của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND thành phố nắm bắt được sự hoạt động của đại biểu tích cực hay không tích cực để uốn nắn nâng cao trách nhiệm; đồng thời cũng nắm bắt được phường, xã, cơ quan, đơn vị nào yếu trong xử lý các vấn đề mà đại biểu HĐND phát hiện, kiến nghị.

Trên cơ sở đó, hàng tháng Thường trực HĐND thành phố báo cáo với Thường trực Thành ủy về các nội dung lên quan, đặc biệt làm rõ các nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khó khăn vướng mắc cũng như xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Đặc biệt, thông qua giám sát của HĐND thành phố và từ thực tiễn đặt ra, đầu tháng 8 vừa qua, UBND thành phố Vinh đã thành lập Đội phản ứng nhanh xử lý vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn thành phố”.

Còn tại huyện Thanh Chương, trong hoạt động giám sát chuyên đề, HĐND huyện đã lựa chọn những nội dung trọng tâm, bức xúc liên quan đến lợi ích của đại đa số người dân. Đó là công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên - môi trường và cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện.

Theo đó, ngoài giám sát qua báo cáo đối với 40/40 xã, thị trấn, HĐND huyện cũng tiến hành giám sát trực tiếp tại 14 xã, thị trấn và Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Bà Lê Thị Hồng Thiết – Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương cho rằng, trên cơ sở những vấn đề tồn tại, hạn chế, bất cập được HĐND huyện phát hiện, chỉ ra và kiến nghị, UBND huyện và các cơ quan chuyên môn đã vào cuộc tích cực để khắc phục.

Ví như việc xử lý đất của các tổ chức đã có quyết định thu hồi của UBND tỉnh trên địa bàn thị trấn, sau giám sát đã được tập trung giải phóng mặt bằng, đưa vào quản lý theo quy định. Hay công tác bảo vệ môi trường ở từng địa phương cũng có nhiều giải pháp và tạo nhiều chuyển biến tích cực sau giám sát.

Ở cấp tỉnh, cũng đã triển khai 2 cuộc giám sát theo cấp độ HĐND tỉnh, tập trung vào 2 chương trình lớn, đó là việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. 

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường khẳng định, việc lựa chọn nội dung giám sát của HĐND là những vấn đề nổi cộm, trọng điểm liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh nhằm đánh giá đúng tình hình, từ đó kiến nghị và gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cho các cấp, các ngành để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ví như giám sát việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, HĐND tỉnh đã chỉ ra 9 tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cao hơn mức bình quân cả nước. Việc điều tra, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo có nơi chưa khách quan, minh bạch.

Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác giảm nghèo và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho công tác giảm nghèo. Công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo còn hạn chế...  

Trên cơ sở kết quả giám sát, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tại kỳ họp thứ 4 vào hồi tháng 7/2017 vừa qua.

Trong đó đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN