Tham gia cuộc họp có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ngành cấp tỉnh.
Dự thảo nghị quyết ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025 được UBND tỉnh xây dựng và trình nhằm thay thế Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND, ngày 4/8/2016 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh do một số nội dung không phù hợp với thực tiễn thu hút đầu tư của tỉnh cũng như một số quy định hiện hành.
Chẳng hạn như trong 4 năm thực hiện Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND không có dự án đầu tư nào ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp đáp ứng đủ 3 yếu tố về quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thu hút, sử dụng 500 lao động trở lên có thời hạn hợp đồng 12 tháng, có mức nộp ngân sách tỉnh trên 100 tỷ đồng của năm đầu tiên khi bước vào hoạt động chính thức hoặc sử dụng thường xuyên trên 2.500 lao động địa phương để hưởng chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào của dự án để được hưởng chính sách.
Các dự ánthu hút thời gian qua có quy mô nhỏ, có tổng mức đăng ký đầu tư dưới 100 tỷ đồng chiếm 80,1% tổng dự án giai đoạn 2016 - 2020.
Tại cuộc thẩm tra, các thành viên tham gia đã tập trung làm rõ mục đích ban hành chính sách là nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư trên địa bàn và trên cơ sở cân nhắc các nội dung thiết yếu mà nhà đầu tư cần cũng như điều kiện cân đối ngân sách của tỉnh.
Một số ý kiến cũng đề xuất, bên cạnh chính sách hỗ trợ đầu vào thì cần quan tâm bổ sung các chính sách hỗ trợ đầu ra như chính sách xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; chính sách hỗ trợ thu hút lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao…
Sau phần thảo luận của các thành viên dư họp, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo nghị quyết.
Cụ thể dự thảo nghị quyết được thay đổi điều kiện quy mô vốn đầu tư của dự án từ 2.300 tỷ đồng trở lên; có mức nộp ngân sách tỉnh tổi thiểu 50 tỷ đồng của năm đầu tiên (không tính thời gian vận hành chạy thử).
Chính sách được áp dụng chung cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, bao gồm hỗ trợ chi phí đào tạo lao động được nâng từ 1,5 triệu đồng/lao động lên 2 triệu đồng/lao động; hỗ trợ kinh phí chuẩn bị đầu tư, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí thực hiện các thủ tục đầu tư trong bước chuẩn bị đầu tư theo hợp đồng, hóa đơn, chứng từ hợp lệ nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án sau khi dự án đi vào hoạt động; hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư đường giao thông, hệ thống thoát nước đến hàng rào dự án.
Ngoài chính sách chung đối với tất cả dự án đầu tư, dự thảo nghị quyết cũng đề cập đến một số chính sách hỗ trợ đầu tư theo nhóm các dự án đầu tư, kinh doanh trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp.
Cụ thể, các dự án đầu tư, kinh doanh trong khu kinh tế, khu công nghiệp được hỗ trợ về giá, đơn giá thuê đất, thuê mặt nước. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí san lấp mặt bằng, nhưng không vượt quá 30 tỷ đồng/100 ha đối với dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và không vượt quá 20 tỷ đồng/1 dự án đối với dự án xây dựng, kinh doanh cảng biển.
Đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên, đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp được Chính phủ thành lập nhưng chưa có chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng, sau khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động và các dự án đầu tư ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí san lấp mặt bằng, nhưng không vượt quá 5 tỷ đồng đối với dự án có vốn đầu tư từ 200 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng và không vượt quá 10 tỷ đồng cho dự án có vốn đầu tư từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 3.000 tỷ đồng, không vượt quá 15 tỷ đồng cho dự án có vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, các dự án đầu tư ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp được ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông trục chính và đường điện hạ thế vào trung tâm vùng nguyên liệu cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, dược liệu, cây thức ăn chăn nuôi có quy mô 100 ha tập trung trở lên; 300 ha tập trung trở lên đối với rừng nguyên liệu; quy mô 20 triệu con giống/năm hoặc 50 ha nuôi tôm thâm canh trở lên.
Sau thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh sẽ báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh xem xét để trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ hai, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng tiến hành thẩm tra dự thảo nghị quyết thông qua đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam đến năm 2040; dự thảo nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; dự thảo nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ theo quy định tại khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai để thực hiện công trình, dự án trên địa bàn tỉnh; dự thảo nghị quyết về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác