Trong 5 năm từ 2013 - 2017, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An đã xây dựng được 90 mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI với quy mô từ 01 - 20 ha/mô hình để từ đó chỉ đạo nhân ra diện rộng. Các địa phương cũng đã có cơ chế, chính sách hàng năm hỗ trợ kinh phí thực hiện hàng chục mô hình ứng dụng SRI trên diện rộng với quy mô 10 - 20ha/mô hình.

Nông dân Yên Thành gieo mạ vụ xuân 2018. Ảnh: Phú Hương
Nông dân Yên Thành gieo mạ vụ xuân 2018. Ảnh: Phú Hương

Bên cạnh việc giảm trung bình 10 - 15% lượng đạm, 40 - 50% lượng giống, 1-2 lần phun thuốc BVTV, lãi so với canh tác theo tập quán 2,7 – 3 triệu đồng/ha, SRI còn góp phần nâng cao trình độ thâm canh lúa cho nông dân.

Nông dân xuống đồng gieo cấy lúa vụ xuân. Ảnh: Phú Hương

Vụ xuân 2018, Chi cục BVTV  tỉnh tiếp tục xây dựng 15 mô hình SRI diện hẹp (quy mô 01 ha/mô hình và 3 mô hình diện rộng (05 ha/mô hình).

Ngoài ra, ở hầu hết các huyện trọng điểm trồng lúa và một số huyện miền núi như Tân Kỳ, Con Cuông cũng đã có các cơ chế hỗ trợ, thực hiện các chương trình dự án để mở rộng diện tích sản xuất lúa thâm canh cải tiến SRI trên địa bàn toàn tỉnh lên khoảng 10.000 - 11.000 ha trong sản xuất vụ xuân.

SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới. Những nguyên tắc/kỹ thuật cơ bản của phương pháp này bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ.