Chưa tính các đội bóng tại Hạng nhất thì tại V.League 2019, chỉ có 4 CLB là Nam Định, HAGL, Khánh Hòa và Thanh Hóa không có cầu thủ Nghệ An đang chơi bóng. Tính từ CLB TP Hồ Chí Minh - đội bóng đang đứng đầu trên bảng xếp hạng, có các cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh, Trần Phi Sơn, Sầm Ngọc Đức, Vũ Quang Nam, Quế Ngọc Mạnh. Riêng tiền vệ Hoàng Thịnh đã chơi đủ 6 trận tại V.League 2019 và có 1 bàn thắng cho đội bóng chủ sân Thống Nhất.
CLB Hà Nội trong quá khứ từng rất ưa thích những cầu thủ từ lò SLNA như Dương Hồng Sơn, Lê Công Vinh, Nguyễn Hồng Tiến thì nay công tác đào tạo trẻ tốt đã giúp đội bóng này chủ động nguồn cầu thủ nội. Tuy nhiên, những trụ cột của nhà ĐKVĐ như thủ môn Nguyễn Văn Công, hậu vệ Trần Văn Kiên là những người con gốc Nghệ trưởng thành từ lò của Hà Nội.
Ngay cả CLB Than Quảng Ninh lúc này cũng có 1 cầu thủ Nghệ An đang thi đấu là hậu vệ Lê Thế Mạnh. Hải Phòng có lẽ là trường hợp đặc biệt tin dùng những cầu thủ từ lò SLNA. Đội bóng đang xếp thứ 5 trên BXH có 8 cầu thủ trưởng thành từ đội bóng xứ Nghệ bao gồm: Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Hạnh, Vương Quốc Trung, Nguyễn Phú Nguyên, Đậu Thanh Phong, Nguyễn Cảnh Dương, Nguyễn Viết Nguyên và Nguyễn Đình Bảo.
Trong số những cầu thủ này, Đình Bảo và Quốc Trung là hai gương mặt nổi bật nhất, thi đấu nhiều nhất và có nhiều đóng góp. Không chỉ có nội binh, Hải Phòng bến đỗ lâu dài của những ngoại binh chất lượng do SLNA phát hiện như Diego Fagan hay Jeremie Lynch.
CLB Sài Gòn còn được xem là một đội bóng Nghệ An phiên bản 2 tại V.League với trường hợp tiền vệ Ngô Xuân Toàn vừa chuyển đến từ SLNA. Tại đội bóng này, những cầu thủ như thủ môn Nguyễn Văn Hoàng, Tống Đức An, Trần Văn Bửu, Bùi Trần Vũ đều đến từ Nghệ An nhưng trưởng thành từ các lò đào tạo khác.
B. Bình Dương trong quá khứ cũng là một mảnh đất màu mỡ của những cầu thủ SLNA thì nay, đội bóng đất thủ cũng đã áp dụng chính sách “cây nhà lá vườn”. Lúc này, chỉ còn có thủ môn Trần Đức Cường là trường hợp trưởng thành từ SLNA.
CLB Quảng Nam thời điểm thăng hạng lên chơi V.League có đóng góp rất lớn của những cầu thủ từ SLNA, trong đó có Cao Xuân Thắng. Tại mùa bóng năm nay, Quảng Nam vừa chiêu mộ hậu vệ Nguyễn Anh Hùng, cầu thủ từ lò SLNA đã có nhiều năm thi đấu tại Hải Phòng là bản hợp đồng rất đáng chú ý. Ngoài ra, Nguyễn Đình Thắng, thủ môn Phạm Văn Cường cũng là hai cầu thủ quê Nghệ An đang đầu quân cho đội bóng xứ Quảng.
Với SHB Đà Nẵng, lần gần nhất đội bóng sông Hàn chiêu mộ một cầu thủ SLNA đã là năm 2003 khi thủ môn Nguyễn Đức Cường đến bằng một bản hợp đồng cho mượn. Kể từ đó, HLV Lê Huỳnh Đức hầu như không sử dụng cầu thủ SLNA. Sau 15 năm nói không với chất Nghệ trong đội hình, nhà cầm quân này cũng đã quyết định mang về hai cầu thủ SLNA là Âu Văn Hoàn và trung vệ Phạm Mạnh Hùng để cải thiện lực lượng.
Những cầu thủ từ lò SLNA cũng là những mục tiêu hàng đầu của tân binh Viettel. Đội bóng mang bản sắc Thể Công dù có công tác đào tạo trẻ khá tốt nhưng để có những cầu thủ chơi tốt tại V.League không phải là chuyện dễ dàng. Đội bóng quân đội đã bỏ ra đến 9 tỷ đồng cho bản hợp đồng mang tên Quế Ngọc Hải và con số tương đương cho tiền vệ Nguyễn Trọng Hoàng. Cả 2 đều đã từng là những thủ quân của đội bóng xứ Nghệ.
Tự hào nhất vẫn là SLNA với bản sắc riêng biệt tại V.League. Trừ các ngoại binh, tất cả các cầu thủ nội tại đội 1 SLNA 100% đều gốc Nghệ An và trưởng thành từ SLNA, chơi bóng cùng nhau từ nhỏ.
Hiện nay, số huấn luyện viên xứ Nghệ đạt chuẩn Liên đoàn bóng đá châu Á - AFC đang hành nghề tại V.League cũng đang chiếm áp đảo. Đó là những Văn Sỹ Sơn tại CLB Hà Nội, HLV Nguyễn Đức Thắng tại SLNA, HLV Nguyễn Thành Công tại CLB Sài Gòn. Kỳ cựu hơn, HLV Ngô Quang Trường đang làm giám đốc kỹ thuật tại CLB Hải Phòng và HLV Nguyễn Hữu Thắng làm Chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh.
Điều đáng nói là những đội bóng có nhiều cầu thủ SLNA đầu quân hay có huấn luyện viên người Nghệ dẫn dắt đều đang thi đấu tốt và có thành tích tương đối khả quan tại V.League 2019./.