Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,72%.
Đánh giá của Chính phủ cho rằng, mặc dù điều kiện nguồn lực hạn chế, song các địa phương đã dành sự ưu tiên, chú trọng thực hiện các nội dung, nhiệm vụ năm 2017 của từng chương trình theo hướng tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế của giai đoạn trước, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng gắn với điều kiện mới, hoàn cảnh mới để duy trì bền vững kết quả xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững.
Đối với Nghệ An, tổng nguồn vốn huy động cho thực hiện chương trình NTM trong năm 2017 được hơn 3 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình hơn 905 tỷ đồng, chiếm 28,4%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hơn 856 tỷ đồng, chiếm 26,8%; vốn doanh nghiệp gần 194 tỷ đồng, chiếm 6,1%; vốn tín dụng gần 764 tỷ đồng, chiếm 23,9%; nhân dân đóng góp hơn 474 tỷ đồng, chiếm 14,8%.
Kết quả huy động nguồn vốn cho thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2017 là hơn 2,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương hơn 2,2 nghìn tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2017 hơn 346 triệu đồng.
Trong năm 2017, toàn tỉnh có thêm 29 xã đạt chuẩn NTM; nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 181/431 xã, chiếm 42%, cao hơn bình quân cả nước. Bình quân đạt 14,54 tiêu chí/xã, tăng 1,04 tiêu chí/xã so với cuối năm 2016. Có 55 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 12,8%; 106 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 24,6%; có 89 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 20,6%.
Đã tập trung chỉ đạo huyện Nam Đàn hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương vào thẩm định huyện NTM và trình Thủ tướng Quyết định công nhận. Như vậy, hiện toàn tỉnh đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Toàn tỉnh hiện còn 65.435 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,54%, còn 85.555 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,86%.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng kiến nghị, đề xuất với Chính phủ một số nội dung: Hiện nay, các công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, đề nghị Trung ương chỉ quản lý danh mục dự án, việc thẩm định nguồn vốn và giao chi tiết kế hoạch vốn cho từng dự án phân cấp cho địa phương thực hiện trên cơ sở tổng nguồn và danh mục được Trung ương giao đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng của Chương trình MTQG xây dựng NTM.
Đối với Chương trình 30a (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững), liên quan đến các huyện được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian hỗ trợ từ 2013 - 2017 chưa được gia hạn triển khai thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020. Do vậy, chưa có căn cứ để phân bổ chỉ tiêu vốn chương trình này cho giai đoạn 2018 - 2020. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn để các địa phương có căn cứ phân bổ chi tiết cho các huyện nghèo.
Mục tiêu đề ra của Chính phủ, năm 2018, cả nước phấn đấu tăng từ 5 - 6% số xã đạt chuẩn NTM, có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương và đánh giá cao những thành tựu đã đạt được thời gian qua trong Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình giảm nghèo bền vững của các bộ, ngành và các địa phương, đồng thời ghi nhận những cẩm nang, kinh nghiệm quý báu, thiết thực tại một số địa phương trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng đề nghị: Các địa phương cần có sáng tạo trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, dựa vào điều kiện thực tế của địa phương. Các địa phương tập trung vào các mô hình tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó quan tâm đến chương trình “mỗi xã một sản phẩm”; Triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, dự án, nội dung được lồng ghép, tích hợp vào các chương trình MTQG; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG.
Những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm có văn bản để trình Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết.