Nghỉ hưu không nghỉ việc

(Baonghean) - Sau nhiều năm công tác, cống hiến ở những vị trí khác nhau tại huyện Tương Dương, trở về địa phương, nhiều cán bộ hưu trí vẫn tiếp tục phát huy tinh thần “tuổi cao, gương sáng”, xây dựng thành công các mô hình kinh tế. Qua đó, tăng thêm thu nhập cho gia đình và giúp đỡ con cháu, hỗ trợ đồng bào địa phương sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao. 
Mỗi buổi sáng, khi dải sương trắng trên ngọn núi sau nhà chưa tan, vợ chồng bà Lộc Thị Bình và ông Vi Văn Phùng ở bản Nhẫn, xã Thạch Giám (Tương Dương) đã thức dậy, kiểm tra từng lồng cá trên lòng hồ Thủy điện Khe Bố. Bà Bình nguyên là Bí thư Đảng ủy thị trấn Hòa Bình, ông Phùng công tác tại Ủy ban MTTQ huyện. Từ khi về hưu, thời gian ở trên lồng cá của ông, bà hầu như nhiều hơn ở nhà. Bà Bình cho biết, ý định nuôi cá lồng xuất phát từ khi Thủy điện Khe Bố ngăn dòng. Vì vậy, sau khi đi tham quan học tập kỹ thuật nuôi cá tại các tỉnh phía Bắc, vợ chồng bà trở về đầu tư 2 lồng nuôi cá.
Vốn tính hay làm, cần cù, sáng tạo nên khi tiếp cận nghề nuôi cá lồng, ông bà đã thông thạo kỹ thuật chăm sóc. Thức ăn cho cá ngoài những loại cỏ, lá, ông bà còn chú ý bổ sung lượng tinh bột, đồng thời dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật phòng bệnh ở cá. Do đó, các loại cá trong lồng phát triển tốt, hiệu quả ngày càng cao. Từ đó ông, bà bàn nhau đầu tư thêm 8 lồng để mở rộng quy mô nuôi. “Nhiều người cho rằng, về hưu là để nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác nhưng vợ chồng tôi lại có quan điểm phải tham gia sản xuất. Chúng tôi có lương hưu nên không quá đặt nặng vấn đề kinh tế, cái chính là mình làm việc để con cháu noi theo và rèn luyện sức khỏe”, bà Bình tay vừa thoăn thoắt cho cá ăn, vừa vui vẻ cho biết. Từ mô hình nuôi cá lồng, thấy con cháu trong họ không có việc làm, ông Phùng chia 5 lồng cá của mình cho con cháu cùng nuôi, rồi tận tình chỉ bảo thêm kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh. Do đó, con cháu ông bà cũng dần quen các kỹ thuật nuôi, tập trung trồng cỏ, trồng chuối hai bên bờ sông để làm thức ăn cho cá. 
Ông  Vi Văn Tiến chăm sóc đàn dê.
Ông Vi Văn Tiến chăm sóc đàn dê.
Còn ông Vi Văn Tiến, nguyên Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Tương Dương sau khi nghỉ hưu đã tận dụng địa thế thuận lợi ở bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi dê kết hợp nuôi lợn đen, gà thả đồi. Niềm vui của ông là hàng ngày lên gia trại được chăm sóc cho đàn vật nuôi. Trung tuần tháng 10/2014, ông xuất bán 50 con lợn thịt. Ngoài việc có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi, ông đã tạo việc làm cho 2 lao động thuộc diện hộ nghèo trong bản. Bên cạnh những mô hình người cao tuổi phát triển kinh tế nêu trên, huyện Tương Dương còn rất nhiều cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục tích cực xây dựng các mô hình kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Thông qua các mô hình, các cán bộ nghỉ hưu đã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ dân, đóng góp tích cực cho công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Họ đã nêu cao tinh thần “tuổi cao, gương sáng” để con cháu, dân bản noi theo. 
Khánh Hiền - Đình Tỷ

Tin mới