Sáng 24/11, Sở Giáo dục và đào tạotổ chức Hội nghị Kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 1 “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: MH
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: MH

Đề án Tăng cường tiếng Việtcho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS (giai đoạn 2016-2020) nhằm giúp các em có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội tri thức của các bậc học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tại Nghệ An, với bậc mầm non, việc thực hiện đề án được triển khai bằng nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường học liệu, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ sớm làm quen với tiếng Việt. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng đã tổ chức lồng ghép, tích hợp nội dung tăng cường tiếng Việt một cách linh hoạt, sáng tạo vào các hoạt động trong ngày của trẻ đảm bảo trẻ là người DTTS có thể đạt được các mục tiêu theo giáo dục độ tuổi.

Giờ học tiếng Việt của học sinh Trường mầm non Yên Khê - Con Cuông. Ảnh: MH

Với sự nỗ lực của toàn ngành, đến năm 2020, tỷ lệ huy động trẻ em người DTTS đến trường có nhiều kết quả tích cực, trong đó trẻ mẫu giáo đạt 92,6% (chỉ tiêu 90%) và 100% trẻ em người DTTS trong các cơ sở giáo dục được tăng cường tiếng Việt, được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng tiếng DTTS tại địa phương để giáo tiếp, chăm sóc giáo trẻ.

Đặc biệt 100% trẻ DTTS được học 2 buổi/ngày và tham gia bán trú 100%. 100% trẻ DTTS 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non được chuẩn bị tốt vốn từ và kỹ năng giáo tiếp (nghe, nói, hiểu) bằng tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

Để triển khai giai đoạn 2 đạt hiệu quả, tại hội nghị các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập khó khăn như cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn, tài liệu, đồ dùng để tham khảo và sử dụng dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS chưa phong phú.

Một số trường có nhiều giáo viên miền xuôi lên công tác do không biết tiếng dân tộc nên có sự bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trẻ, làm hạn chế việc tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Khoa ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Nhiều trường học đã có cách làm, hoạt động sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn, đặc điểm ngôn ngữ, tâm lý của học sinh để giúp các em tiếp thu, nói, đọc, viết tiếng Việt hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Khoa trao bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các tập thể và cá nhân xuất sắc. Ảnh: MH

Tuy nhiên, theo yêu cầu mới hiện nay, lãnh đạo Sở mong muốn các đơn vị cần tiếp tục quan tâm xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài nhóm lớp; bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ CBQL, GV; đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường, cụm huyện….

Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được giao lưu, học hỏi, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong quản lý, chuyên môn về tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Bên cạnh đó, sẽ phân khai kinh phí tăng cường tiếng Việt hàng năm cho các huyện miền núi để các đơn vị chủ động thực hiện đề án.