Sau khi Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (6/12/1953), Thanh - Nghệ - Tĩnh được giao nhiệm vụ chi viện tối đa nhân, vật lực cho trận quyết chiến lược này.
Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Nghệ An sôi nổi thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tỉnh thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận của tỉnh để huy động mọi tiềm lực phục vụ chiến dịch.
Tết Giáp Ngọ 1954, Nghệ An đã huy động 32.000 dân công, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật quân giới đồng loạt lên đường ra tiền tuyến.
Nhờ có sự chuẩn bị từ trước, nên vào dịp Tết Giáp Ngọ 1954, Nghệ An đã huy động 32.000 dân công, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật quân giới đồng loạt lên đường ra tiền tuyến.
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để chiến thắng!”, Nghệ An huy động cao độ nhân lực, vật lực cho tiền tuyến. Mọi ngành, mọi giới, mọi nhà đều hăng hái quyết tâm đem hết sức mình góp sức cùng mặt trận.
Trong số hàng vạn dân công đi đợt này, có rất nhiều người đã từng tham gia các đợt trước, có nhiều kinh nghiệm và dạn dày gian khó, trở thành các nhân tố tích cực động viên, giúp đỡ những người mới đi lần đầu. Dân công Nghệ An được huy động lên đường tải gạo và thực phẩm ra tiền tuyến. Mặc dầu trên vai gánh nặng, đường xa, phải trèo đèo, lội suối... nhưng tất cả đều vui vẻ, hăng hái hoàn thành nhiệm vụ.
Theo kế hoạch của Hội đồng cung cấp Chiến dịch Điện Biên Phủ, dân công Nghệ An có nhiệm vụ vận chuyển từ Nghệ An ra Suối Rút (Hòa Bình) 5.000 tấn lương thực. Do thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đoàn dân công Nghệ An phải vượt qua Mộc Châu, đưa hàng lên tận Sơn La phục vụ chiến dịch.
Theo chủ trương của Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn Nghệ An cử một Đại đội thanh niên xung phong, do đồng chí Nguyễn Văn Cán - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên tỉnh làm Đại đội trưởng, hành quân lên Sơn La, hợp cùng với 3 đại đội thanh niên xung phong các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa để lập thành Đội Thanh niên xung phong 40, tham gia làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên tuyến Mộc Châu (Sơn La) đến gần Điện Biên Phủ, với chiều dài khoảng 200 km. Đây là tuyến huyết mạch chi viện cho Điện Biên Phủ, có nhiều trọng điểm đánh phá của kẻ thù (cầu Tà Vài, cầu Yên Châu, ngã ba Tuần Giáo, ngã ba Cò Nòi)...
Bất chấp sự đánh phá của địch, dân công Nghệ An cùng các đơn vị bạn, thường xuyên có mặt nơi cần thiết, san lấp hố bom, sửa chữa đường sá, đảm bảo giao thông thông suốt. Tại mặt trận Điện Biên Phủ, Đội Thanh niên xung phong 40 đã đóng góp nhiều công sức, góp phần cùng các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Cùng với đó, Đội Thanh niên xung phong 34 tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đội này làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông 200 km đường từ Suối Rút (Hòa Bình) đến cây số 31 Tuần Giáo (Lai Châu, nay thuộc tỉnh Điện Biên) và phục vụ ở các trạm vận chuyển từ Suối Rút đến cây số 80 Điện Biên Phủ.
Cùng với huy động dân công, thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch, Nghệ An tích cực bổ sung lực lượng cho các đơn vị bộ đội chủ lực. Tháng 2 năm 1954 thực hiện lệnh tổng động viên sức người, sức của cho tiền tuyến, 5.438 thanh niên từ các huyện, xã trong tỉnh khám tuyển xong đúng thời hạn quy định, hăng hái nhập ngũ lên đường tham gia chiến đấu trên các mặt trận. Ở Thanh Chương, chỉ tiêu khám tuyển 100 người trong đợi một nhưng có tới 600 thanh niên dự tuyển.
Thực hiện kế hoạch tổ chức bộ đội địa phương theo quyết định của Bộ Tư lệnh Liên khu 4, Nghệ An đã triển khai huy động được 1.924 thanh niên vào bộ đội địa phương. Nhờ chủ động nên những lần điều động lực lượng tiếp theo Nghệ An đều hoàn thành tốt, vừa bổ sung quân số nguyên cả đơn vị với chất lượng cao vừa kịp thời tổ chức ngay đơn vị mới.
Tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu của các đội viên Thanh niên xung phong Nghệ An là các anh Lê Văn Hiệu, Nguyễn Văn Hòa, Đặng Xuân Bửu, Lê Văn Thưởng, Ngô Trí Tường, Bùi Đình Yên (Đại đội 294), chị Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Trúc, Nguyễn Văn Hán, Nguyễn Văn Tâm... và các tập thể là Chi đoàn Thanh niên cứu quốc xã Quang Thành (huyện Yên Thành) thuộc Đại đội dân công 1, Chi đoàn Thanh niên cứu quốc trong Đại đội xe đạp thồ huyện Anh Sơn. Thanh niên xung phong Nghệ An đã đóng góp sức lực và nhiều người đã cống hiến cuộc đời mình cho chiến dịch toàn thắng.
Thi đua với các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường, ở hậu phương, nhân dân Nghệ An làm hết sức mình để chi viện cho tiền tuyến đánh giặc. Khắp các địa phương, nhân dân Nghệ An đẩy mạnh tăng gia sản xuất, triệt để tiết kiệm. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1954, cả tỉnh nhập kho 1.460 tấn thóc, vượt chỉ tiêu được giao.
Công nhân các xí nghiệp trong toàn tỉnh hăng hái giúp sức khắc phục khó khăn, thiếu thốn về nguyên vật liệu để cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu của quân sự, quốc phòng, góp phần phục vụ đời sống của nhân dân.
Các huyện miền núi (Tương Dương, Tân Kỳ, Quỳ Châu …), cùng các huyện miền xuôi huy động hàng nghìn con trâu, bò, ngựa làm sức kéo; và hàng vạn gà, lợn làm thực phẩm phục vụ cho các lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Ở các địa phương có nghề thêu, dệt, đan lát như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc..., thi đua sản xuất và ủng hộ cho tiền tuyến hàng ngàn mét vải, quần áo, mũ. Nhân dân đã giành ủng hộ hơn 300 kg thuốc lào, thêu 2.950 khăn tay gửi tặng các chiến sĩ; cùng với đó là hàng ngàn lá thư từ hậu phương gửi ra mặt trận động viên cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội.
Được sự chi viện hết lòng của hậu phương, ngày 7 tháng 5 năm 1954 quân dân ta đã giành thắng lợi oanh liệt trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi oanh liệt nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi đó là kết quả của nhiều nhân tố, trong đó có một phần không nhỏ mang ý nghĩa quan trọng quyết định là nhờ sự chi viện to lớn của hậu phương, mà Nghệ An là một phần, cả về vật chất lẫn tinh thần.
-------------
Tài liệu tham khảo: Lịch sử Quân sự Nghệ An tập 1 (1930-1975)