Hiệu quả từ ứng dụng quy trình canh tác chuẩn
Vụ cam năm ngoái, mặc dù vườn bị lụt, cam rụng nhiều do ảnh hưởng hoàn lưu bão kết hợp thủy điện xả lũ, nhưng vườn cam của gia đình anh Phan Trọng Bảo ở xóm Đỉnh Hợp, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn vẫn đạt sản lượng 13 tấn quả,  thu được 130 triệu đồng, trong đó gần 41,5 triệu lãi ròng, cao hơn vườn cam nông dân đối chứng gần 13,5 triệu đồng.
“Đây là điều mà chỉ một năm trước, tôi không bao giờ dám mơ đến. Vì sau một vụ thu hoạch, vườn cam đã bị héo vàng, rũ lá, bệnh lây lan rất nhanh, chỉ trong vòng một tháng, tới nửa vườn cam đã bị hiện tượng này” - anh Bảo cho biết. Chán nản, anh Bảo đã quyết định chặt bỏ cam chuyển sang trồng chè. May mắn là khi mới chặt được 13 cây cam thì anh được cán bộ BVTV khuyến cáo, hướng dẫn thực hiện quy trình chăm sóc, cứu vườn cam rộng tới 1 ha của gia đình.
Nghệ An 'cứu' vườn cam thoái hóa sớm ảnh 1
Vườn cam của gia đình anh Bảo đã xanh trở lại. Ảnh: Phú Hương
Chỉ sau vài mùa thu hoạch, vườn cam 500 gốc của gia đình ông Nguyễn Quang Thuận ở bản Nưa, xã Yên Khê, Con Cuông đã bị kém chất lượng, bộ lá cây bị vàng và rụng, cây sinh trưởng phát triển kém và chậm; nhiều cây vẫn đang còn quả trên cây nhưng bị “ngơ”, “sồ”, gia đình ông không buồn thu hoạch. Tuy nhiên, mùa cam năm nay, dù chỉ mới sang năm thứ 2 thực hiện chăm sóc theo quy trình được cán bộ BVTV hướng dẫn, vườn cam của gia đình ông không những đã phục hồi tốt, mà năng suất còn đứng “tốp” đầu trong vùng, lên tới 30 tạ/ha.

Đa số giống cam đang trồng trong vùng đều do người dân tự xin mắt ghép để ghép hoặc mua cây giống trôi nổi không rõ nguồn gốc từ các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp về trồng. Quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch hại không đúng kỹ thuật gây hậu quả khá nặng nề, nhiều vườn cam bị thoái hóa nhanh chóng.

Ông Lang Văn Bán, Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Con Cuông.

Đến đầu năm 2021, diện tích cam toàn tỉnh là 4.702 ha. Và chỉ từ năm 2018 đến nay, diện tích cam bị chặt do cây cam sinh trưởng, phát triển kém đã lên đến trên 1.340 ha. “Trước xu hướng người dân ồ ạt mở rộng diện tích, xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giống cam tràn lan, chưa kiểm soát được chất lượng cây giống, nhất là nguồn gen và dịch hại. Quá trình chăm sóc, người dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau nên chưa thực hiện đúng” - ông Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh lo ngại.

Nhân rộng mô hình hiệu quả
Trong định hướng của tỉnh, trong nhiều năm tới, cây có múi nói chung, cây cam nói riêng vẫn là một trong những loại cây trồng chủ lực, phục vụ nhu cầu nội địa và hướng đến xuất khẩu, dự kiến đến năm 2025, diện tích cam sẽ đạt 6.700 ha. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng đòi hỏi cao trong kỹ thuật canh tác và đầu tư chăm sóc.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra, hướng dẫn quy trình chăm sóc cam. Ảnh: Phú Hương
Năm 2019, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã thực hiện mô hình quản lý tổng hợp dinh dưỡng và dịch hại, từ đó xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhằm khắc phục hiện tượng “cam ngơ”, vàng lá, thối rễ tại các huyện Nghĩa Đàn, Con Cuông và  Quỳ Hợp.

“Chúng tôi tổ chức điều tra, xác định diễn biến, quy luật phát sinh của các dịch hại chính trên cây cam tại vùng thực hiện mô hình; xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng cam kém chất lượng, bệnh rụng quả, vàng lá thối rễ. Đồng thời  ứng dụng các nguyên tắc cơ bản của IPM, ICM để xây dựng mô hình, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất cam. Từ đó, tổng hợp các giải pháp để chuyển giao cho các hộ dân trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV

 Vườn cam Vinh trĩu quả ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng
Đến nay, qua 2 năm triển khai, các mô hình bước đầu đạt được một số thành công nhất định, góp phần cải thiện kỹ thuật sản xuất cam theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt, bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường nhằm phục hồi năng suất, chất lượng của thương hiệu đặc sản “Cam Vinh”. Người dân đã sử dụng thuốc BVTV an toàn và theo phương pháp 4 đúng, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Việc bón phân cân đối đã giúp cây cam hấp thụ được và chuyển hóa dinh dưỡng để nuôi cây, từ đó hạn chế hiện tượng cam kém chất lượng, bệnh rụng quả, vàng lá thối rễ.
Từ kết quả đó, diện tích cam áp dụng đúng quy trình chăm sóc đã được nhân rộng, nhiều vườn cam thoái hóa sớm đã được “cứu” thành công.