(Baonghean.vn) - Bệnh viện HNĐK Nghệ An vừa cứu sống bệnh nhân Nguyễn Hồng Q. bị sốc nhiễm trùng nhiễm độc do thoát vị đại tràng ngang vào ống bẹn, hoại tử, gây viêm phúc mạc toàn thể.

Bệnh nhân Nguyễn Hồng Q. (76 tuổi, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhập viện tối 23/04 trong tình trạng sốc nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt, nổi vân tím toàn thân, viêm phổi già yếu, trên tiền sử thoát vị bẹn phải nhiều năm. Tiên lượng rất nặng.

Bác sỹ khoa Cấp cứu, Hồi sức Ngoại khoa, Gây mê Hồi sức và Ngoại tiêu hóa nhanh chóng hội chẩn và tiến hành hồi sức cấp cứu, đồng thời làm các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán. Xác định bệnh nhân Q. bị sốc nhiễm độc do thoát vị bẹn phải nghẹt hoại tử thủng, êkip phẫu thuật khẩn trương tiến hành phẫu thuật cấp cứu để giữ mạng sống cho bệnh nhân.

Thạc sỹ, BS. Đinh Văn Chiến thăm khám hậu phẫu cho bệnh nhân Q.
Thạc sỹ, BS. Đinh Văn Chiến thăm khám hậu phẫu cho bệnh nhân Q.

“Khi mở ổ bụng bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy sự bất thường bởi tạng thoát vị qua ống bẹn gây hoại tử thủng là đại tràng ngang và mạc nối lớn. Thông thường, thoát vị bẹn phải hay gặp là manh tràng hoặc ruột non, đối với bên trái là đại tràng sigma và ruột non.

Trong trường hợp này, nguyên nhân có thể do đại tràng ngang của bệnh nhân quá dài. Toàn ổ bụng là dịch phân hôi thối từ lỗ thủng đại tràng chảy ra. Chúng tôi tiến hành rửa sạch toàn ổ bụng, cắt lọc phần đại tràng hoại tử, đưa đại tràng ra làm hậu môn nhân tạo. Đồng thời, cắt lọc sạch toàn bộ và khâu phục hồi ống bẹn”, Thạc sỹ Đinh Văn Chiến, Khoa Ngoại Tiêu hóa, phẫu thuật viên chính ca mổ cho biết.

Qúa trình hồi sức sau mổ cho bệnh nhân Q. cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng bệnh nhân già yếu, viêm phổi, phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn nên bệnh nhân được điều trị và nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch tại khoa Hồi sức Ngoại khoa và Hồi sức Tích cực chống độc hơn 1 tuần. Hiện nay, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, ăn uống và đi lại được.

Bác sỹ Chiến lưu ý thêm: Thoát vị bẹn là bệnh lý ngoại khoa thường gặp. Đối với những trường hợp có dấu hiệu thoát vị bẹn như: có khối phồng vùng bẹn khi gắng sức (ho, rặn, mang vác nặng…) và nhỏ lại khi nằm nghỉ ngơi thì cần phải đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và xử lý sớm, tránh để biến chứng nặng như trên.

Hoàng Yến

TIN LIÊN QUAN