(Baonghean.vn) - Ngày 3/2, thông tin từ Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết, trong những ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán vừa qua, các y bác sỹ đã cấp cứu, điều trị và cứu sống thành công ca bệnh khó là bệnh nhân Nguyễn Thị H. (23 tuổi) bị ngừng tim, ngừng thở 4 lần.
Ngày 14/1, bệnh nhân H. sinh con đầu lòng tại trạm xá xã. Sau ca sinh thường với con gái đầu lòng 3,1kg chào đời, H. được sớm về nhà. Tuy nhiên, sau sinh 5 ngày, H. bất ngờ bị ngất xỉu trong nhà vệ sinh. Gia đình đem bệnh nhân tới Bệnh viện huyện và phải chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An do xuất hiện ngừng tuần hoàn, nguy kịch tính mạng.
Bệnh nhân H. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng nề, da niêm mạc nhợt nhạt, khó thở nhiều, tím môi, đầu chi; nhịp tim nhanh, đánh trống ngực; xuất huyết âm đạo sau sinh nhiều; đi kèm suy thận, suy gan, suy đa tạng. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân H. liên tục bị ngừng tim, ngừng thở; tưởng chừng như không thể qua khỏi. Tuy nhiên, các bác sỹ khoa Hồi sức Tích cực chống độc đã quyết tâm cứu sống bệnh nhân bằng mọi cách. Liên tục ép tim, sốc điện, cấp cứu ngừng tuần hoàn, sự sống đã ở lại với bệnh nhân H.
Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn 4 lần thành công, vấn đề duy trì tính mạng đặt ra với bệnh nhân H. vẫn là thử thách rất lớn với các bác sỹ. Tình trạng oxy trong máu (chỉ số SpO2) rất thấp, dù được thở oxy qua mask 100% nhưng SpO2 của bệnh nhân vẫn chỉ đạt 55%, đe dọa tử vong bất kỳ lúc nào.
“Xét nghiệm máu bệnh nhân H. bị toan chuyển hóa nặng do nhiễm trùng, nhiễm độc. Qua hội chẩn với các chuyên khoa Sản, Tim mạch, bệnh nhân H. được chẩn đoán có dịch tồn dư sau sinh, sót rau, bị nhiễm khuẩn huyết rất nặng qua cửa âm đạo sau sinh. Đánh giá chức năng tim bệnh nhân có dấu hiệu bị tim bẩm sinh, rối loạn bất thường van ba lá, hội chứng Ebstein gây giảm oxy máu rất nặng.
Kết hợp giữa 2 bệnh lý trên nên quá trình điều trị rất phức tạp và khó khăn. Chúng tôi luôn theo dõi sát bệnh nhân, duy trì oxy tối đa, dùng 2 loại thuốc vận mạch, trợ tim để đảm bảo huyết áp. Đồng thời, chúng tôi điều trị tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc và truyền bù máu đã mất hậu sản cho bệnh nhân” - Thạc sỹ, BS Nguyễn Văn Thủy - Phó khoa Hồi sức Tích cực chống độc nhận định.
Sau 4 ngày cấp cứu hồi sức tích cực, bệnh nhân đã hồi tỉnh, rút được máy thở, ăn được.
Đến hôm nay, bệnh nhân H. đã qua được giai đoạn nguy kịch nhất và được tiếp tục điều trị bệnh lý tim mạch.
Được biết, bác sỹ khoa Hồi sức Tích cực Chống độc - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đã từng cứu sống nhiều ca ngưng tim, ngưng thở nhưng đây là trường hợp có số lần ngưng tim, ngưng thở nhiều nhất từ trước đến nay được cứu sống./.
Hoàng Yến