(Baonghean.vn) - Nghề đan lát ở làng Tú Viên, xã Thanh Lương (Thanh Chương) đã có từ lâu đời, hiện vẫn đang được người dân nơi đây gìn giữ, phát huy. Không chỉ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, mà nghề đan còn góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống của làng quê xưa. Đặc điểm của làng này là rất nhiều cụ ông, cụ bà quá tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn miệt mài đan lát.

Làng đan lát Tú
Làng đan lát Tú Viên chủ yếu ở 3 xóm (1, 2, 3), trước kia, có khoảng 80% hộ dân làm nghề đan lát, nay chỉ còn hơn 100 hộ theo nghề. Từ giang, tre, nứa, mét, người Tú Viên đã làm nên sản phẩm đa dạng (rổ, rá, sảo, sọt, nong, nia, dần, sàng…) đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân
Trong mỗi gia đình làm nghề, các thế hệ từ già đến trẻ đều biết đan, nhưng người già thì gắn bó với nghề hơn. Trong ảnh: Cụ bà Nguyễn Thị Hai (94 tuổi, xóm 3) đang đan nia. Tuy tuổi đã cao, cụ vẫn chăm chỉ làm việc để giúp con cháu, mỗi ngày cụ vẫn có thể hoàn thiện 2 tấm nia.
Với nghề đan tre nứa, lận sản phẩm là công đoạn đòi hỏi nhiều công sức nhất, công việc này thường dành cho đàn ông. Trong ảnh: Cụ ông Nguyễn Trọng Tuấn (84 tuổi, xóm 2) đang lận sảo.

Bằng sự sáng tạo, khéo léo và chăm chỉ, người Tú Viên đã làm nên những sản phẩm có chất lượng bền, đẹp được khách hàng trong và ngoài huyện ưa chuộng.

Tuy làng làm nhiều sản phẩm, nhưng mỗi gia đình thường tập trung sản xuất một vài loại sản phẩm nào đó. Cụ Nguyễn Thị Toàn (89 tuổi, xóm 3) kể rằng: “Gia đình tui chuyên làm mẹt (nia), làm buổi đêm là chủ yếu. Hai ông bà già rồi, làm cho vui, vừa kiếm thêm thu nhập. Mẹt bán sỉ với giá từ 20 nghìn đến 35 nghìn đồng/chiếc”. Trong ảnh: Cụ Toàn đang phơi mẹt trước ngõ.
Để sản phẩm đan có chất lượng tốt, người làm nghề phải chú tâm trong từng công đoạn, kể cả khâu lựa chọn, thu mua nguyên liệu. Những năm qua, nghề đan đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ làm nghề. Năm 2012, xóm 1 đã có 30 lao động nữ tham gia học lớp đan lát tại Trung tâm dạy nghề của huyện. Xóm 1 cũng đã được UBND tỉnh công nhận là xóm có nghề. Trong ảnh: Cả nhà cùng đan
Đôi tay của người thợ qua bao ngày miệt mài đan.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, nghề đan lát đã góp phần đem lại cuộc sống no ấm cho những gia đình làm nghề. Về làng Tú Viên,đi trong sự nhộn nhịp, yên vui một phần là nhờ vào nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề đan lát. Nét đẹp làng xưa theo đó cũng được giữ gìn.

Huy Thư

TIN LIÊN QUAN