Trong khuôn khổ chuyến nghiên cứu, khảo sát này, đoàn công tác tỉnh Quảng Tây do bà Đàm Tú Hồng - Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An vào chiều 26/4.

Cùng tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Quảng Tây có đại diện các cơ quan hợp tác kinh tế đối ngoại, thị trường, các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Phía tỉnh Nghệ An có đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy BĐBP, các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Cục Hải quan.

Tại buổi làm việc, đoàn cán bộ tỉnh Quảng Tây đã được cung cấp một số nét cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, những tiềm năng và lợi thế của địa phương nằm ở vị trí trung tâm Bắc miền Trung của Việt Nam.

Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển ngành Logistics ảnh 1
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Nghệ An cũng là tỉnh đang có quan hệ hợp tác với các tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An sang Trung Quốc đạt gần 55 triệu USD. Quý I năm 2018 đạt gần 90 triệu USD. 

Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Nghệ An năm 2017 đạt gần 131 triệu USD, chủ yếu các mặt hàng máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu sản xuất, linh kiện điện thoại, hóa chất. Quý I năm 2018 đạt gần 15 triệu USD. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Nghệ An có 8 dự án do các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư với số vốn 102,36 triệu USD, hoạt động trên lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ…

Các thành viên của đoàn công tác tỉnh Quảng Tây. Ảnh: Đào Tuấn

Về tình hình vận tải logistics, Nghệ An hiện có 16 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn với chiều dài 1.768 km và 32 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 662,1 km. Hệ thống giao thông, hạ tầng thiết yếu gồm: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cảng biển và hệ thống kho bãi, dịch vụ vận tải đáp ứng yêu cầu. Ngoài 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Nghệ An cũng có 1 cửa khẩu chính, 3 cửa khẩu phụ và 4 lối mở trên khu vực biên giới với nước bạn Lào. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực logistics trên địa bàn.

Bà Đàm Tú Hồng cho rằng Nghệ An có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh ngành Logistics. Ảnh: Đào Tuấn

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đàm Tú Hồng - Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây cho biết, Quảng Tây là tỉnh có đường biên giới giáp ranh và có quan hệ hợp thương mại lâu đời với Việt Nam. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây đầu tư vào Việt Nam, trong đó năm 2017 đạt kim ngạch 2 tỷ USD. 

Bà Đàm Tú Hồng cũng khẳng định, việc đến Nghệ An lần này, đoàn tập trung khảo sát và đặt mối quan tâm đến hệ thống hành lang dịch vụ logistics trên tuyến Quảng Tây - Hà Nội - Vinh trước khi kết nối với Lào và Thái Lan trong hành lang kinh tế Đông Tây.

Các đại biểu tỉnh Nghệ An dự buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn

Bà Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây cũng đánh giá cao hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng của tỉnh Nghệ An. Đặc biệt bà cho biết, ở Nghệ An, tuyến đường bộ chạy song song với đường sắt là một điều kiện hết sức thuận lợi cho dịch vụ vận tải phát triển. Bên cạnh đó, các cửa khẩu, hệ thống cụm cảng biển, cảng hàng không, nhà kho, bến bãi ở Nghệ An cơ bản đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics. Đây còn là điều cốt yếu để mở ra cơ hội để phát triển thương mại, nâng cao kim ngạch xuất khẩu giữa 2 tỉnh và 2 nước.

Bà Đàm Tú Hồng - Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây tặng quà lưu niệm cho Sở Ngoại vụ Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn