Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đình Bá - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, lãnh đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nghệ An có 419 km đường biên giới chung với ba tỉnh của nước CHDCND Lào là Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn; có 1 cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, 4 cửa khẩu phụ là Thanh Thủy, Tam Hợp, Cao Vều, Thông Thụ và 15 lối mở biên giới.

Những năm qua, hai bên đã duy trì và phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, từ năm 2012 đến nay, tổng kim ngạch thương mại giữa Nghệ An và Lào có nhiều biến động.

 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) giữa Nghệ An và Lào ước đạt 15,36 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,66 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,7 triệu USD.

bna__dai_bieu_tham_du_hoi_thao_anh_phu_huong6229292_2962018.jpgCác đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Phú Hương

Hiện có khoảng 90 doanh nghiệp Nghệ An hoạt động tại Lào, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, thủy điện, chế biến và kinh doanh gỗ, sản xuất rượu, sản xuất và kinh doanh thép xây dựng, trồng và khai thác rừng, du lịch lữ hành, kinh doanh xe tải nhỏ... với tổng vốn đầu tư của các dự án hơn 200 triệu USD.

Nghệ An đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng quy hoạch chợ biên giới. Theo đó, Nghệ An có 30 chợ biên giới, hiện có 7 chợ biên giới đang hoạt động, tuy nhiên cơ sở vật chất còn khó khăn. Hiện tỉnh đang khảo sát, lập kế hoạch đầu tư xây dựng một số chợ cửa khẩu, chợ biên giới thuộc quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, giao thương của hai bên.

Ông Nguyễn Đình Bá - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào chỉ ra một số quy định, chính sách gây khó khăn, vướng mắc hiện nay. Ảnh: Phú Hương
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Bá - Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã nêu ra một số quy định, chính sách của hai nước gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Như việc hiện Nghệ An vẫn đang trong quá trình làmthủ tục công bố các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên địa bàn theo Quy định của Chính phủ, vì thế, hoạt động thông quan hàng hóa qua đây còn gặp nhiều khó khăn.
Về phía Lào, việc ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý khai thác, vận chuyển và kinh doanh gỗ đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Lào giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu gỗ trước thời điểm Chỉ thị ban hành đang gặp khó khăn; hạ tầng giao thông và thương mại khu vực cửa khẩu biên giới, đặc biệt là các chợ biên giới chưa được đầu tư nhiều; công tác phối hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn nhiều hạn chế....
Bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương đề nghị hai bên cần tăng cường công tác an ninh biên giới. Ảnh: Phú Hương

Các chuyên gia kinh tế và đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất tỉnh Nghệ An cần có giải pháp tranh thủ nguồn lực để đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại biên giới, mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông, thúc đẩy giao thương giữa hai nước, phát triển ổn định và bền vững…

Bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng: Để tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai bên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tham gia vào hoạt động thương mại, các cơ quan chức năng của hai bên cần phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát qua biên giới, đảm bảo tốt công tác an ninh biên giới và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Hải quan Cửa khẩu Thanh Thủy kiểm tra hoạt động xuất, nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu. Ảnh: tư liệu

Đồng thời đề nghị tỉnh Bôlykhămxay nâng cấp Cửa khẩu Nậm On (Lào) - Thanh Thủy (Việt Nam) lên cửa khẩu quốc tế; mở cửa khẩu phụ Thoong Phi La (Lào) - Cao Vều (Việt Nam); đề nghị tỉnh Hủa Phăn mở cửa khẩu phụ Nậm Tảy (Lào) - Thông Thụ (Việt Nam). Đề nghị Chính phủ hai nước quan tâm hỗ trợ, khuyến khích việc thanh toán qua ngân hàng của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hai nước.