(Baonghean) - Già hóa đội ngũ Tổng phụ trách đội (TPTĐ) là thực trạng diễn ra nhiều năm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những TPTĐ có thâm niên trên 10 năm vẫn trụ được với nghề thì cũng có những giáo viên không còn muốn đảm trách vai trò này. Làm thế nào để tạo nguồn cho đội ngũ trên đang là trăn trở lớn.
Sinh năm 1966, với 23 năm đảm trách vai trò tổng phụ trách Đội nhưng cô giáo Ngô Thị Hà - Trường THCS Lê Lợi (TP. Vinh) luôn xem công tác Đội là một tâm huyết lớn trong nghề giáo của mình. Cô cho biết: “Nhiều người khi đã lớn tuổi thường gặp khó khăn trong việc thu hút học trò tham gia các phong trào bề nổi, hoặc khi tiếp cận với những kỹ năng mới trong nghiệp vụ Đội. Riêng tôi thấy công tác Đội rất thuận lợi cho đến tận bây giờ”.
Nhiều năm qua, Trường THCS Lê Lợi không chỉ là đơn vị có phong trào mạnh trên địa bàn Thành phố mà nề nếp của trường cũng được đánh giá cao. Ấy là do cô giáo tổng phụ trách đội đã biết cách lồng ghép các phong trào đội vào công tác giáo dục nâng cao kỹ năng sống từ đó tạo cho học sinh sự hứng thú và tinh thần thi đua trong học tập cũng như rèn luyện.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 283 giáo viên trong 950 giáo viên tổng phụ trách Đội có độ tuổi trên 35. Trong đó có hơn 60% mong muốn được đảm nhiệm công tác tổng phụ trách lâu dài.
Đơn cử như thầy giáo Nguyễn Thái Tuấn - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học thị Trấn Mường Xén, năm nay đã 40 tuổi. Công tác Đội với thầy luôn là niềm vui, niềm đam mê, dù đã có thâm niên 16 năm theo nghề nhưng chưa lúc nào thầy chùn bước, chưa lúc nào nghĩ mình sẽ “nhường sân” cho giáo viên khác trẻ hơn. Chỉ đơn giản vì thầy là người thực sự có năng khiếu, thực sự yêu thích công việc tập hợp và thu hút đội viên.
Trong suốt quãng đời làm Đội của mình, thầy Tuấn đã cùng Liên đội đạt nhiều thành tích đáng nể như 10 năm liền đạt liên đội xuất sắc cấp tỉnh; được BCH Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh tặng giấy khen; bản thân thầy cũng là giáo viên tổng phụ trách đạt nhiều thành tích nhất từ trước đến nay của Hội đồng Đội huyện Kỳ Sơn.
Trong các trường tiểu học và THCS hiện nay, người giáo viên - Tổng phụ trách Đội luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh và điều hành các hoạt động phong trào của nhà trường, là người chịu rất nhiều sức ép từ ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và ngay với cả những học sinh cá biệt.
Chính vì vậy, không dễ tìm một người tổng phụ trách Đội có nhiệt huyết, có khả năng làm công tác phong trào. Do đó đối với những tổng phụ trách Đội đã quá tuổi quy định nhưng vẫn đảm trách tốt vai trò này, chính là những hạt nhân trong phong trào. Việc tìm được người kế cận họ là điều rất khó trong điều kiện thực tiễn hiện nay.
Ở một bình diện khác, theo quy định hiện hành, các trường cấp 1 và 2 hiện nay được biên chế 1 giáo viên làm tổng phụ trách Đội. Giáo viên trường cấp 1 dạy 23 tiết/tuần, giáo viên cấp 2 dạy 19 tiết/tuần. Đối với trường loại 1 thì tổng phụ trách Đội không phải dạy, trường loại 2 dạy 1/3 số tiết, trường loại 3 dạy 1/2 số tiết theo quy định.
Quy định rõ ràng như vậy, nhưng nhiều giáo viên được phân công nhiệm vụ này đều không muốn làm bởi vì đây thực sự là một công việc vô cùng vất vả và chịu rất nhiều áp lực.
Điển hình như trường hợp của cô giáo Trần Phương Thảo - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hà Huy Tập, hiện đã 38 tuổi với 16 năm làm tổng phụ trách Đội. Cô là giáo viên dạy tiếng Anh, vì thế ngoài công tác Đội mỗi tuần cô vẫn dạy 6 tiết. Thế nhưng đã 16 năm trôi qua cô Thảo vẫn phải cố để làm tròn hai vai trong cùng một thời gian, và với cô vai tổng phụ trách Đội quá nặng đối với một giáo viên dạy tiếng Anh.
“Ở lứa tuổi này tôi có cảm giác đã không theo kịp xu thế thời đại, đặc biệt là việc nắm bắt tâm sinh lý học sinh, và mong muốn cấp trên tìm được người thay thế” - Cô Thảo cho biết.
Hiện nay, chỉ có một số trường sư phạm đào tạo giáo viên chuyên ngành công tác Đội, còn đa số là chưa mở ngành học này. Chính vì vậy, ở nhiều địa phương, phần lớn giáo viên đảm nhận công việc tổng phụ trách Đội mà không có chuyên môn về công tác Đội.
Trong khi, đối với những giáo viên làm công tác Đội đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Ngoài lòng say mê thì phải biết điều khiển và tổ chức các trò chơi, biết giáo dục, giúp đỡ những học sinh cá biệt. Nhưng, nhìn vào cách phân công hiện nay có rất nhiều bất cập, không phải giáo viên nào cũng đảm nhận được nhiệm vụ này một cách tròn vai.
Sự phân công giáo viên tổng phụ trách Đội hiện nay có rất ít người đúng với chuyên ngành đào tạo, thường là điều giáo viên được đào tạo cấp THCS và THPT, nhưng do dư thừa giáo viên nên họ đảm nhận công tác này. Vì vậy, phần lớn không nắm được tâm lý lứa tuổi, hạn chế về công tác Đội. Hơn nữa, cùng một lúc người làm công tác Đội phải kiêm nhiệm nhiều mảng hoạt động trong đơn vị như: giáo dục đạo đức học sinh, lo mảng vệ sinh, các phong trào của nhà trường... nên nhiều thầy cô luôn cảm thấy ức chế và gánh những áp lực vô hình trong công việc.
Anh Dương Hoàng Vũ - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: Theo quy định, giáo viên tổng phụ trách Đội không quá 35 tuổi, trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài thêm nhưng không quá 2 nhiệm kỳ. Tuy vậy, thực tế vẫn phải thực hiện theo hướng mở, đó là: Nhiều đồng chí tổng phụ trách Đội lớn tuổi so với quy định song trong điều kiện thực tế từng trường không thể bố trí giáo viên trẻ. Cộng thêm đồng chí đó vẫn yêu thích, có nguyện vọng làm thì chúng tôi vẫn thống nhất bổ nhiệm. Hướng mở này của Nghệ An đã được Trung ương nhất trí, cho phép. Hiện nay, Tỉnh đoàn Nghệ An kiến nghị với Trung ương tạo điều kiện cơ chế, chính sách phù hợp về chế độ, ưu tiên bổ nhiệm đối với các đồng chí sau khi nghỉ công tác đội để đội ngũ làm công tác đội có trách nhiệm cao hơn, đổi mới hoạt động hơn trong cả nội dung lẫn hình thức hoạt động, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý các em trong giai đoạn hiện nay. |
Thanh Nga - Thành Chung
TIN LIÊN QUAN |
---|