anh_69443560_2672021.jpgTiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Diễn Châu. Ảnh: Quang An

Bệnh dịch tả lợn châu Phitái bùng phát trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ đầu tháng 2/2021, một số địa phương dịch bùng phát mạnh như Thanh Chương, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Yên Thành, Đô Lương, Quế Phong... gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế của hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn, tiêu tốn ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lợn trên địa bàn tỉnh nói chung.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Nghệ An có 254 ổ dịch tả lợn Châu Phi (5.745 hộ/982 xóm/254 xã) tại 20 huyện, thành, thị; số lợn đã tiêu hủy: 17.138 con; tổng trọng lượng 1.070.898kg.

Cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng

Để nhanh chóng khống chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả với đặc điểm của tỉnh và từng giai đoạn chống dịch khác nhau.

Trong đó có một số văn bản quan trọng như Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 về Ban hành Kịch bản Ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Nghệ An hướng dẫn cụ thể những biện pháp cần triển khai từ cấp tỉnh, huyện, xã đến người chăn nuôi.

Cùng với công tác tham mưu, công tác chỉ đạo, triển khai phòng, chống dịch quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của người dân, ngành Nông nghiệp và PTNT đã làm tốt công tác phòng, chống dịch tạo điều kiện để tái đàn, tăng đàn lợn. Do vậy, đến nay bệnh DTLCP cơ bản đã được khống chế, tổng đàn lợn đạt 914.620 con, tăng 3,67% so với cùng kỳ năm 2020.

Một chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quang An

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn 07 ổ DTLCP xảy ra rải rác tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ chưa qua 21 ngày, các ổ dịch này đã qua 15 ngày không phát sinh ca bệnh mới ại 05 huyện: Hưng Nguyên, Anh Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tương Dương. Số dịch đã qua 21 ngày công bố hết dịch là 247 ổ (chiếm hơn 97,64% tổng số ổ dịch).

Ông Ngô Đức Quỳnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng: Để phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả, các địa phương cần thực hiện nghiêm các giải pháp theo hướng dẫn tại Quyết định số 812/QĐ-UBND và Công văn số 3369/SNN-CNTY ngày 05/11/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đối với các huyện đang có dịch phải huy động mọi nguồn lực (con người, vắc-xin, hóa chất...) khẩn trương khống chế, dập tắt dịch bệnh, không để dịch lây lan.

Cơ quan thú y tổ chức phun hóa chất khử trùng tại ổ dịch trên địa bàn huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Mặc dù dịch đã cơ bản được khống chế, nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao nên các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định; tăng cường kiểm tra việc tái đàn, tăng đàn tại các cơ sở chăn nuôi bảo đảm đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn không khai báo.

Cùng với đó, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán chạy lợn mắc bệnh; làm tốt công tác tuyên truyền; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra.

Người chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện các giải pháp phòng dịch trong hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với người chăn nuôi, cần áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng phòng dịch từ xa: mua lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định, được kiểm dịch; chuồng trại phải được xây dựng hệ thống xử lý chất thải; trước cửa chuồng nuôi phải có hố sát trùng chứa vôi bột hoặc hóa chất; chuồng nuôi tách biệt với khu sinh hoạt; các dụng cụ, áo quần, ủng, giày, dép phục vụ chăn nuôi cần phải riêng biệt và được khử trùng thường xuyên; định kỳ khử trùng, tiêu độc, xử lý môi trường chăn nuôi, ủ phân sinh học; hạn chế hoặc không cho người ngoài vào khu vực chăn nuôi; có biện pháp để tiêu diệt, ngăn ngừa côn trùng, chuột hoặc động vật khác (chó, mèo...) vào khu vực chăn nuôi... 

Thực hiện tốt 06 không trong chăn nuôi, buôn bán, giết mổ: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; Không sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương để tắm lợn, cho lợn uống”.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An