(Baonghean.vn) - Đánh bắt vùng biển xa là chủ trương khuyến khích ngư dân của Đảng và nhà nước, năm 2017, Nghệ An có 222 tàu đăng ký để vừa khai thác vừa tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Ông Nguyễn Chí Lương, Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết: Từ chỗ chỉ có 1 tàu đăng ký đi đánh bắt vùng biển xa năm 2015, năm 2017 số tàu đăng ký là 220 tàu. Các tàu này nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước từ 22 triệu đồng đến 100 triệu đồng/ năm, tùy theo công suất tàu, bình quân 70 triệu đồng tiền dầu/ chuyến.
Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa... (gọi tắt là các vùng biển xa)...
Tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa là các tàu cá có nghề khai thác phù hợp và có hoạt động tại vùng biển quy định, bao gồm: nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới rê khơi, nghề lưới vây khơi, nghề câu khơi, câu mực, chụp mực và các tàu dịch vụ khai thác hải sản tại các vùng biển xa.
Cùng với chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, Quyết định 48 còn hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu; bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên; hỗ trợ kinh phí mua máy thông tin liên lạc cho tàu…
Ông Trần Duy Nhuệ, trạm trưởng trạm bờ thuộc Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết thêm: Hiện trạm đã niêm phong được 60 máy ICOM VX 1700 trên 60 tàu để tránh di chuyển các máy này sang tàu khác. Các tàu có gắn máy này khi ra vùng biển xa, nhắn tin về trạm bờ và có chứng nhận của các đảo xa là được hưởng hỗ trợ.
Trong 60 tàu được niêm phong ICOM, có 54 tàu của Hoàng Mai và 6 tàu của Quỳnh Lưu.
Theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ 4 chuyến biển/năm, mỗi chuyến biển tàu có công suất từ 90CV-150CV hỗ trợ 22.000.000đ; từ 150CV-250CV hỗ trợ 30.000.000đ; từ 250CV-400CV hỗ trợ 55.000.000đ; từ 400CV-700CV hỗ trợ 75.000.000đ; từ 700CV trở lên hỗ trợ 100.000.000đ.
Châu Lan