Sáng 24/6, tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị Tổng kết công tác đưa người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2019 triển khai nhiệm vụ năm 2020. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng Viết Đường -  Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐTB & XH chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có đại diện các sở,ban, ngành, các đơn vị tư vấn dịch vụ việc làm,...

bna_9810016164910_2462020.jpegToàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Mỗi năm người lao động ở nước ngoài gửi về 500 triệu USD

Năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 37.948 lao động (đạt 110% Kế hoạch đề ra), trong đó đưa được 13.662 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng,tập trung chủ yếu ở các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, các nước Trung Đông. Đặc biệt, năm 2019,cả tỉnh đã đưa được 5.430 người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, tăng đột biến so với các năm trước.

Tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Ảnh tư liệu của PV

Những địa phương đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm: Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương, Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò..., các huyện miền núi như: Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Anh Sơn...

Báo cáo tại hội nghị, ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH cho biết: Nghệ An tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hiện tổng số lao động của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài là hơn 62.000 người, nguồn thu nhập do người lao động đi làm việc ở nước ngoài chuyển về tỉnh hàng năm ước đạt 500 triệu USD/năm, nhiều hộ gia đình thật sự khá giả, giàu lên từ nguồn thu nhập đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó đã góp phần quan trọng, tích cực trong thực hiện chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định về an sinh xã hội trên địa bàn.

”Có được kết quả đó là nhờ chúng ta đã có những chính sách khuyến khích phù hợp nên thu hút được nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài; qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài trong việc lựa chọn đơn vị và thị trường phù hợp với khả năng và nguyện vọng của bản thân”, ông Vi Ngọc Quỳnh cho biết.

Thay đổi phương thức thời kỳ hậu Covid-19

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đến nay nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, các quốc gia từng là thị trường lớn của Việt Nam trong lĩnh vực XKLĐ vẫn chưa cấp visa cho lao động nước ngoài. Tuy nhiên các doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài đóng tại Nghệ An đã cố gắng liên kết với các quốc gia như Đài Loan, Malaysia đưa được một số lao động làm việc trong các lĩnh chăm sóc sức khỏe, chuyên ngành thực phẩm... vào tháng 6. Tuy nhiên thị trường làm việc ngoài nước còn có những diễn biến khó lường. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,... còn chưa có phản hồi về thời hạn tiếp nhận lao động ngoài nước. “Vì vậy đây là thời gian để chúng ta tích cực đào tạo tay nghề, kỹ năng ứng xử cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, thường xuyên cập nhật những nhu cầu mới về việc làm của các nước để có những điều chỉnh phù hợp về ngành nghề, về thời gian tiếp nhận lao động, tránh để lao động học nghề rồi nhưng chờ đợi quá lâu vẫn chưa xuất cảnh được”, bà Trịnh Thị Huyên, đại diện một Công ty Giới thiệu việc làm nêu ý kiến tại hội nghị.

Ông Đặng Văn Lương - Trưởng phòng LĐTB &XH huyện Nghi Lộc trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về việc nâng cao chất lượng lao động khi đi làm việc ở nước ngoài để có nguồn lao động chất lượng cao, đồng thời tạo uy tín cho thị trường lao động trong nước, tạo tính bền vững đối với thị trường cung cấp lao động của Việt Nam nói chung và của Nghệ An nói riêng.

“Tuy lực lượng lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài lớn nhưng trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật của một số lao động còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao, ổn định như: Đức, Nhật Bản, Singapore, Australia...” ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH nêu ý kiến.

Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở LĐTB &XH trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Vì vậy ngoài việc tăng cường mở rộng các thị trường mới, chú trọng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho lao động để đáp ứng nhu cầu của các nước có thu nhập cao, thì các địa phương cần lựa chọn những doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có năng lực uy tín trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; đẩy mạnh tạo việc làm trong nước.

Mục tiêu hoàn thành đạt chỉ tiêu tỉnh giao cho các địa phương năm 2020 là giải quyết việc làm cho 38.098 người, trong đó đưa được 13.718 người lao động đi làm việc ở nước ngoài và tư vấn hỗ trợ số lao động làm việc ở nước ngoài về nước do ảnh hưởng dịch Covid-19 để họ quay trở lại thị trường lao động trong nước và ngoài nước làm việc. Vì vậy, việc tìm hướng tạo việc làm cho lao động trong và ngoài nước đang được các cấp ngành xác định là: Cần khai thác và phát triển các thị trường lao động truyền thống, đồng thời mở rộng thêm nhiều thị trường mới tiềm năng có thu nhập cao, ổn định.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Việc đưa người đi lao động ở nước ngoài trong năm qua đã có những kết quả khả quan, nhất là ở những thị trường mới; đặc biệt là vai trò xâu nối của địa phương và các sở ban, ngành nên chỉ tiêu giải quyết việc làm, XKLĐ đạt được khá cao, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trên thực tế lao động của Nghệ An khi đi lao động ở nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác bởi chất lượng tay nghề chưa cao, kỹ năng và kỷ luật lao động chưa đạt chuẩn, thế nên chúng ta cần nâng cao hơn nữa công tác đào tạo kỹ năng cho lao động trước khi đưa họ đi làm việc. Sắp tới cần có giải pháp và chế tài để khắc phục tình trạng lao động sang các nước sở tại rồi bỏ trốn ra ngoài, gây mất uy tín, ảnh hưởng không nhỏ cho thị trường lao động Việt Nam đối với lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.  

Đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Hoàng Viết Đường cho rằng: Sau Covid-19, việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn, nên quan trọng nhất vẫn là nỗ lực giải quyết việc làm tại chỗ, tạo nhiều việc làm trong nước. Song song đó là, đào tạo bồi dưỡng, chuẩn bị sẵn nguồn lao động có chất lượng để ngay khi có đơn hàng chúng ta sẽ có nguồn cung dồi dào.

Cũng tại hội nghị có 35 đơn vị, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích trong việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Thành Cường