Nghệ An: Chộn rộn chợ quê ngày Tết ảnh 1

Thời gian trôi qua, Tết cổ truyền với “Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” đã có nhiều biến đổi. Những câu đối đỏ được mua bán ở chợ quê dịp Tết lại gợi nhắc mọi người nhớ về Tết xưa.

Chợ quê ngày Tết bao giờ cũng có những mặt hàng đặc trưng không thể thiếu, như lá dong lđể gói bánh. Hàng lá dong ở các chợ luôn tấp nập  bán mua. Lá dong năm nay đắt hơn năm trước, giá giao động từ 10 – 30 nghìn đồng/ bó (10 lá). Trong ảnh: Hàng lá dong ở chợ Cồn (xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương)

Đi cùng với hàng lá dong là hàng giang, nơi  bán những cây giang rừng non để về chẻ ra làm dây gói bánh. Dùng lạt giang gói bánh Tết có nhiều ưu điểm hơn dây nhựa,,dây nilon.

 Ở một số chợ, người dân còn bán những loại dây để làm bánh Tết. Dây giang được chẻ, thắt sẵn, người mua chỉ việc đem về dùng.

Nhiều trẻ em theo mẹ đi chợ để mua sắm quần áo mới hay phụ giúp gia đình bán hàng, mang xách quà Tết… Chợ Tết với trẻ em nông thôn là nơi lưu dấu kỷ niệm tuổi thơ, một không gian vô cùng hấp dẫn.

 Cau năm nay đươc mùa, nên chợ Tết có rất nhiều cau, giá cau không đắt đỏ và cũng không còn cảnh tranh giành cau sợ hết hàng như những năm trước. Trong ảnh: Hàng cau ở chợ Bộng ngày cận Tết (xã Bảo Thành, huyện Yên Thành)

Một trong những sản phẩm mây tre mà người đi chợ quê ngày Tết hay mua là kiềng. Tuy không còn nhiều như xưa, nhưng những chiếc kiềng cao, kiềng thấp của “một thời không thể nào quên” vẫn xuất hiện giữa chợ quê ngày Tết.

Ngày Tết, trên bàn thờ nhà nào cũng có mâm ngũ quả và chuối là thứ không thể thiếu. Ngày thường chuối ở chợ quê khá rẻ, nhưng ngày Tết cũng đắt. Chuối chín, chuối xanh đều được người dân mang đi chợ bán. Chuối ngự đẹp có giá từ 30 – 80 nghìn đồng/nải. Trong ảnh: Cảnh mua bán chuối ở chợ Cầu (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn).

Hàng năm, từ ngày 25 tháng Chạp chợ quê lại bắt đầu nhộn nhịp khác thường. Về quê đi chợ Tết, không chỉ để mua, để bán mà còn để trở về với ký ức thân thương. Trên những nẻo đường đi chợ Tết đã thấy náo nức sắc Xuân về.