Tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Diễn Liên (Diễn Châu). Ảnh tư liệu Xuân Hoàng Số liệu của Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết, mặc đù cách đây 4 tháng, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại nhiều xã trên địa bàn các huyện: Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, nhưng với tinh thần phòng chống dịch hiệu quả, nên dịch đã được khống chế, thu hẹp.
Đến ngày 24/5, trên địa bàn Nghệ An còn 3 xã chưa qua 30 ngày dịch, gồm: Công Thành, Đồng Thành (Yên Thành) và xã Đại Đồng (Thanh Chương); dịch tại 3 xã này chỉ xảy ra 1 - 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Như vậy, tính từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 21.427 hộ trên địa bàn 359 xã, của 19/19 huyện, thị xã, thành phố của Nghệ An. Số lợn bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy 95.643 con, tổng trọng lượng trên 4.833 tấn, chiếm 3,67% sản lượng thịt hơi xuất chuồng của cả tỉnh.
Ước tính, kinh phí dùng để phòng chống dịch từ ngân sách xã, huyện, tỉnh khoảng gần 300 tỷ đồng, trong đó hơn 138 tỷ đồng hỗ trợ người dân có lợn phải tiêu hủy.
Người dân có thể tái đàn nhưng phải thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chuồng trại và các giải pháp phòng dịch, đồng thời mua con giống rõ nguồn gốc. Ảnh tư liệu Quang An Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế, số hộ còn dịch trên địa bàn tỉnh không đáng kể, người dân ở những địa phương đã hết dịch có thể tái đàn. Tuy nhiên để tái đàn được an toàn, bà con cần làm tốt công tác vệ sinh môi trường chuồng trại và các giải pháp phòng dịch khác, đồng thời mua con giống rõ nguồn gốc. Các địa phương cũng phải thận trọng, không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch.