(Baonghean)- Chính sách cho nghệ nhân theo Nghị định 109 chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2015 với mục đích hỗ trợ cho các nghệ nhân thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn. Tại Nghệ An, hiện có 39 nghệ nhân được vinh danh là nghệ nhân ưu tú và hầu hết đều ở độ tuổi đã cao. Tuy nhiên, cho đến nay họ vẫn chưa được hưởng hỗ trợ theo quy định.

Là người con đầu tiên của dân tộc Thổ được phong nghệ nhân ưu tú trong đợt xét tặng lần thứ nhất, nghệ nhân Trương Sông Hương (ở xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp) được biết đến là người có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong đó, nổi bật nhất là ông đã sáng tạo, sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Thổ. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thổ ở làng Sơn Tiến, ông đã tham gia giảng dạy cho hàng trăm người về những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc.

Dàn nhạc tự chế của nghệ nhân Trương Sông Hương.
Dàn nhạc tự chế của nghệ nhân Trương Sông Hương.

Ông còn tích cực sưu tầm các nhạc cụ  truyền thống dân tộc Thổ mình như đàn tính, kèn, sáo, nhị, trống đất. Năm nay đã gần 70 tuổi, ông vẫn miệt mài mày mò, tìm kiếm sáng chế những loại đàn để khôi phục những bản sắc âm nhạc dân tộc từ xa xưa. Chính ông là “tác giả” của cây đàn tính tang được làm từ những ống tre to nhỏ khác nhau, có thể gõ lên được nhiều âm sắc riêng biệt của nhạc cụ dân tộc Thổ.

Gắn bó với công việc sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy nhiều năm, khi nói về đóng góp của mình, nghệ nhân Trương Sông Hương cho hay hoàn toàn do đam mê và khát khao “giữ lại được bản sắc văn hóa dân tộc”… Đối với danh hiệu nghệ nhân ưu tú mà Nhà nước vừa phong tặng, ông xem là một động lực to lớn để có thể tiếp tục sáng tạo và cống hiến.

Cũng từ sau khi được phong tặng danh hiệu ấy, ông trở về với ngôi nhà giản dị của mình ở xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp) và tiếp tục lặng  thầm với công việc gìn giữ văn  hóa truyền thống của dân tộc mình. Về chế độ trợ cấp, cũng có băn khoăn nhưng chưa bao giờ ông nói ra, dù rằng cuộc sống hiện nay của ông vẫn còn nhiều khó khăn, ông không có lương và vẫn sống phụ thuộc vào các con.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Đổng.

Sinh năm 1932, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Đổng (Thanh Chương) là một trong những nghệ nhân có tuổi đời lớn nhất hiện nay. Ông được biết đến là người thực hành và nắm giữ hầu hết các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và đã có nhiều sáng tác, sưu tầm, biên soạn, soạn lời cho rất nhiều tác phẩm tham gia các hội thi, hội diễn trong tỉnh.

Năm 2016 này, cũng đã gần 20 năm, ông gắn bó với cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca huyện Thanh Chương, tích cực cộng tác cùng ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương đưa dân ca vào trường học.

Đặc biệt, từ niềm đam mê của mình, ông đã trao truyền cho hơn 500 người qua nhiều thế hệ và là người bắt nhịp để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lan tỏa trong cộng đồng…Ở tuổi xưa nay hiếm, ông cũng tâm sự: Từ trước đến nay, tôi đến với dân ca ví, giặm và say mê với làn điệu truyền thống của quê nhà bằng chính trái tim của mình. Vì thế, khi đã ngoài 80 tuổi tôi không còn mong đợi nhiều. Chỉ hy vọng, khi Nhà nước đã có chế độ thì các ban, ngành sớm triển khai để những người già như chúng tôi còn được hưởng khi còn sống.

Việc phong tặng, không chỉ là sự ghi nhận đánh giá cao của Nhà nước với những đóng góp to lớn của các nghệ nhân mà còn cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những con người tài năng của dân tộc.

Song song với quyết định phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, Chính phủ cũng đã đưa ra Nghị định 109, mục đích hỗ trợ thêm cho các nghệ nhân, đặc biệt là các nghệ nhân khó khăn, nghệ nhân mắc các bệnh hiểm nghèo có thêm nguồn trợ cấp hàng tháng.

Tại Nghệ An, việc thực hiện Nghị định 109 càng có ý nghĩa bởi trên thực tế, các nghệ nhân của tỉnh nhà đều xuất thân từ những người nông dân, những người lao động bình thường, vì vậy đa phần họ không có lương. Nhiều người trong số đó tuổi đã cao và không còn nhiều thời gian để chờ đợi như nghệ nhân Trần Thị Như (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) năm nay đã 98 tuổi, nghệ nhân Lô Khánh Xuyên (xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) - 86 tuổi,  Lê Xuân Hiếu (xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn) 89 tuổi…

Nói  thêm về điều này, ông  Đậu Ngọc Tuân - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Quỳ Hợp cũng cho biết: Nhiều năm qua, các nghệ nhân trên địa bàn đã đóng góp rất nhiều cho hoạt động văn hóa ở cơ sở. Tuy nhiên, do điều kiện hiện nay ở các địa phương, nên việc hỗ trợ thường xuyên cho các nghệ nhân hầu như không có và đây thực sự là một thiệt thòi. Hiện tại khi Nghị định 109 đã có hiệu lực, chúng tôi rất hoan nghênh và vui mừng. Điều đó, không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất, mà còn có giá trị tinh thần, giúp các nghệ nhân có thêm động lực để tham gia vào các hoạt động xã hội.

Theo hướng dẫn của Nghị định 109, để chi trả hỗ trợ cho các nghệ nhân thì các đơn vị liên quan như ngành Văn hóa, ngành Lao động và các địa phương có liên quan sẽ đôn đốc để thực hiện.

Nghị định 109/2015/NĐ-CP quy định trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó áp dụng cụ thể với các trường hợp như: Có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành nghị định này là 1.150.000 đồng) và nằm trong độ tuổi từ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục do Bộ Y tế quy định.

Mức áp dụng hỗ trợ là 700.000 đồng - 850.000 đồng và  1.000.000 đồng đối với từng đối tượng. Bên cạnh đó, các nghệ nhân còn được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế với mức đóng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, hỗ trợ chi phí mai táng.

Tại Nghệ An, trước sự chậm trễ này, thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã tham mưu và đã có công văn chuyển đến UBND tỉnh để chỉ đạo triển khai thực hiện việc hỗ trợ chính sách theo Quyết định 109 của Chính phủ cho các nghệ nhân ưu tú có  hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đến ngày 2/12/2016, UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ban ngành liên quan cần sớm phối hợp để nghị định đi vào cuộc sống.

Vấn đề đặt ra bây giờ, đó là việc triển khai cần phải thực sự đôn đốc, khẩn trương nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nghệ nhân và giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp văn hóa của tỉnh nhà.

Tính đến thời điểm này toàn tỉnh Nghệ An có 1.727 nghệ nhân, nhưng trong số này chỉ có 39 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. 

Trong số hơn 600 nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân được Nhà nước phong tặng trong dịp đầu tiên, thì Nghệ An cũng là một trong những tỉnh có số nghệ nhân được phong tặng nhiều nhất.

Với những đóng góp tích cực trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ các nghệ nhân đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, trong đó nổi bật là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, dân ca dân vũ của người Mông, người Khơ mú, văn học dân gian, nhạc cụ dân tộc, chữ viết của các dân tộc Thái, Thổ.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN