(Baonghean.vn) - "Nghệ An cần có giải pháp tái cấu trúc không gian phát triển, ngành, lĩnh vực sản phẩm, doanh nghiệp công nghiệp" - đó là một trong những ý kiến góp ý giải pháp phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2020 của TS. Nguyễn Anh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công nghiệp – Bộ Công Thương tại hội thảo “Phát triển Nghệ An đến năm 2020 theo tinh thần Nghị Quyết 26 của Bộ Chính trị”.
Mở đầu bài phát biểu, TS. Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh, thành quả phát triển các ngành công nghiệp trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015 theo “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020” đã góp phần không nhỏ vào kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020.
Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, trên đà phát triển đó, tỉnh Nghệ An quyết tâm phấn đấu đạt kết quả cao hơn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thức XVIII đã đề ra. Với nhiệm vụ đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 17 -: 18%/ năm (cao hơn kỳ trước) và mục tiêu 16 - 17%/ năm và phát triển bền vững, đòi hỏi ngành công nghiệp Nghệ An hết sức nỗ lực để kiến tạo thêm các động lực tăng trưởng mới, với các giải pháp phát triển phù hợp trên cơ sở khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đón bắt cơ hội và vượt qua thách thức mà bối cảnh phát triển mới mang lại.
Qua phân tích tiềm năng của tỉnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên xã hội và lợi thế về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế cũng như bối cảnh phát triển hiện nay với những thách thức, cơ hội phát triển mới, TS. Nguyễn Anh Sơn đã đề xuất một số phương hướng phát triển các ngành công nghiệp Nghệ An. Theo đó, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: Chế biến nông, lâm, hải sản, thực phẩm và đồ uống; cơ khí thiết bị điện tử; sản xuất vật liệu xây dựng; hóa chất và sản phẩm hóa chất; dệt may - da giày; khai thác, chế biến khoáng sản; điện, khí đốt, nước và môi trường.
Về giải pháp cụ thể, TS. Nguyễn Anh Sơn đề xuất: Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động công nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chính sách phát triển, cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng và cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai xây mới, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch 5 năm phát triển các chuyên ngành công nghiệp phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển ngành kinh tế khác của tỉnh và Trung ương.
Tích cực đầu tư phát triển hệ thống đào tạo (cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ quản lý, giảng viên và hướng dẫn, chương trình và nội dung đào tạo) nguồn lực trên địa bàn theo quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2011 – 2020. Kết hợp đào tạo chính quy, dài hạn với đào tạo ngắn hạn, kèm nghề tại nơi sản xuất nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động công nghiệp trên địa bàn.
Đầu tư phát triển công nghiệp cần đảm bảo hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội - môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng và xây dựng cơ chế khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn. Khẩn trương xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp; tăng cường xử lý và tái chế chất thải, tân trang, nâng cấp và tái sử dụng sản phẩm cũ, thải loại.
Giải pháp phát triển các ngành công nghiệp Nghệ An cần chú trọng đến tính bền vững. Trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên nên có chiến lược đúng đắn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào ổn định lâu dài cho công nghiệp chế biến. Các doanh nghiệp công nghiệp quy mô vừa và lớn cần coi trọng phát triển bền vững về cả 3 trụ cột xã hội (trung tâm là người lao động và cộng đồng), môi trường và kinh tế.
Để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, Nghệ An cần tái cấu trúc ngành. Cụ thể, tái cấu trúc không gian, các dự án công nghiệp sử dụng tài nguyên thiên nhiên cần đặt tại các khu vực giàu tài nguyên nhất. Các dự án công nghiệp sử dụng nhiều lao động, ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần phân bố hợp lý tại các khu vực nông thôn, đông dân cư. Còn những dự án khác có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường cần tập trung vào các KCN, CCN, nên bố trí tối ưu theo dòng thải các dự án đầu tư mới hoặc cùng với các nhà máy hiện có.
Bên cạnh đó, cần tái cấu trúc ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp trên cơ sở mời gọi phát triển một số ngành lĩnh vực công nghiệp mới, từ quá trình dịch chuyển đầu tư và sản xuất của các tập đoàn lớn trong nước, các tập đoàn nước ngoài.
Cùng với đó, nhiệm vụ trọng tâm trong tái cấu trúc phát triển công nghiệp còn là tái cấu trúc doanh nghiệp công nghiệp. Thực hiện đổi mới mô hình doanh nghiệp công nghiệp theo chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất, tiêu dùng hàng hóa quy mô vùng, miền, cả nước và khu vực, thế giới theo hướng chuyên sâu và sản xuất loạt lớn. Khuyến khích hình thành một số doanh nghiệp nông – công – thương quy mô lớn; ứng dụng công nghệ cao để chủ động tạo chuỗi giá trị liên ngành, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, bao tiêu sản phẩm đầu ra và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Xuân Hoàng - Đinh Nguyệt