Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào khoảng 13h ngày 26/9, vị trí tâm bão số 4 ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15. Dự kiến trong 24h tới, bão số 4 có khả năng đổ bộ vào vùng biển từ thành phố Đà Nẵng đến Quảng Ngãi vào sáng 28/9.

Trước tốc độ di chuyển nhanh và diễn biến khó lường của cơn bão số 4, nhiều địa phương ven biển, nơi có số đông tàu thuyền làm nghề đánh bắt đã chủ động thực hiện công tác phòng chống bão.

Tại huyện Diễn Châu đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn, nhất là các xã ven biển phải thường xuyên cập nhật thông tin, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện tàu thuyền để kêu gọi, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Cùng với đó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh, trật tự, xã hội. Đồng thời, kiểm tra an toàn và vận hành cống tiêu qua các tuyến đê biển, chủ động tiêu nước chống úng kịp thời, ngăn nước mặn từ thủy triều nước biển dâng do bão gây ra.

Nghệ An: Các địa phương ven biển khẩn trương cho tàu thuyền vào neo trú ảnh 1

Tàu cá của ngư dân Diễn Châu đã vào neo đậu tại khu vực xung quanh cảng Lạch Vạn. Ảnh: Tiến Đông

Hiện tại ở huyện Diễn Châu có hơn 10 tàu cá đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đã vào khu neo đậu, tránh trú bão; khoảng hơn 200 chiếc đánh bắt gần bờ đến trưa nay 26/9 cũng đã vào neo đậu tại các khu tránh trú bão an toàn.

Tại huyện Quỳnh Lưu - một trong những địa phương có số tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất của tỉnh với gần 500 chiếc, hiện tại sau chuyến đi biển xa trở về, nhận được tin bão, các chủ tàu cũng đã neo đậu tàu thuyền ở nơi an toàn xung quanh Lạch Quèn, chờ bão tan mới tiếp tục ra khơi.

Tàu cá của ngư dân xã Tiến Thuỷ (Quỳnh Lưu) về neo đậu trong khu vực cảng Lạch Quèn. Ảnh: Tiến Đông

Ông Cao Xuân Điệp - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết: Sau khi có tin báo về cơn bão số 4, chính quyền địa phương ngay lập tức phối hợp với Trạm Biên phòng Lạch Thơi (thuộc Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận) cùng Hiệp hội Nghề cá và các doanh nghiệp, thông báo cho các tàu còn đánh bắt xa bờ kịp thời quay về trú ẩn.

Hiện tại, xã Sơn Hải có khoảng hơn 65 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó, có khoảng hơn 40 chiếc đang ra khơi. Ông Điệp cũng cho biết, trong ngày hôm qua và sáng nay 26/9 đã có nhiều tàu về, dự kiến trong ngày hôm nay các tàu sẽ vào bờ hết. Đối với những tàu có công suất trên 300 CV, sau khi vào bờ sẽ được hướng dẫn neo đậu ở Lạch Quèn, còn những tàu dưới 300 CV sẽ vào neo đậu ở Lạch Thơi.

Tàu cá của ngư dân phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) đã đậu ken kín xung quanh cảng cá Quỳnh Phương. Ảnh: Tiến Đông

Chiều 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An đã có Công điện khẩn về việc cấm tàu thuyền ra khơi trong bão số 4. Trong đó, cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 17 giờ, ngày 26 tháng 9 năm 2022. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 0 giờ ngày 27 tháng 9 năm 2022.

Tại thị xã Hoàng Mai, những ngày vừa qua, dưới sự phối hợp của Bộ đội biên phòng, Ban chỉ huy quân sự thị xã cùng chính quyền các địa phương như xã Quỳnh Lập, phường Quỳnh Phương, phần lớn tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân cũng đã vào trú ẩn tại cảng Quỳnh Phương và một số địa điểm neo đậu ở sâu trong đất liền.

Ông Đậu Ngọc Lam - cảng trưởng cảng Quỳnh Phương cho biết: Hiện tại phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) có 735 tàu cá các loại, trong đó có hơn 300 tàu có chiều dài từ 12m trở lên. Hiện tại, khu vực xung quanh cầu cảng của cảng cá Quỳnh Phương đã có gần 100 tàu neo đậu. Tuy nhiên, theo quy định nếu bão từ cấp 7 trở lên, các tàu cá của ngư dân buộc phải rời khỏi bến cảng để đảm bảo an toàn, vì thế nếu trong những ngày tới, nếu gió to, người dân sẽ phải đánh tàu đi nơi khác trú ẩn.

Ngư dân chằng, néo tàu tại cảng Lạch Quèn. Ảnh: Tiến Đông

Anh Nguyễn Bá Thuỷ - một ngư dân tại phường Quỳnh Phương có tàu công suất lớn trên 500CV chia sẻ, sau khi nhận tin báo bão, anh em đang đánh cá ngoài khơi đã ngay lập tức cho tàu quay về. Hiện tại, theo dự báo, khả năng bão sẽ không đổ bộ vào Nghệ An nên anh em còn neo đậu tàu tại cảng, nếu bão đổ bộ thì sẽ phải đưa tàu đi nơi khác, nếu không sóng đánh vào cầu cảng nguy cơ vỡ tàu là rất cao.